Để làm ra được một chiếc nón lá vừa đẹp, vừa nhẹ, vừa bền là cả một nghệ thuật và công phu của những nghệ nhân, đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu trong từng công đoạn của quy trình sản xuất.
Danh tiếng, tính chất đặc thù của nón lá Huế có được là nhờ nghề làm nón lá ở Thừa Thiên Huế đã kế thừa những yếu tố hợp lý của các loại nón lá, từ cung đình đến dân gian, từ miền Bắc đến miền Nam để tạo ra sản phẩm riêng của vùng này.
Nguyên liệu để sản xuất nón lá Huế là cây lá nón có tên khoa học là Licuala Fatoua Becc, được trồng ở huyện A Lưới và huyện Nam Đông, đây là vùng có lượng mưa lớn, độ ẩm cao nên phù hợp với sự phát triển của cây lá nón.
Lá nón nguyên liệu được sử dụng là lá không quá non cũng không quá già – lá thường đang còn búp vừa đủ một tháng tuổi và phát triển hết chiều dài, chiều ngang, chưa chuyển sang màu xanh đậm, các bẹ lá ôm khít với nhau, chưa bung ra, có độ mềm với chiều dài khoảng 40-50cm.
Để làm ra được một chiếc nón lá vừa đẹp, vừa nhẹ, vừa bền là cả một nghệ thuật và công phu của những nghệ nhân, đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu trong từng công đoạn của quy trình sản xuất.
Trong khâu kỹ thuật, thợ làm nón lá Huế có kinh nghiệm chọn lá dù khô cũng còn giữ được màu xanh nhẹ, 16 vành nức thường mảnh được vót tròn trĩnh, tỉ mỉ và công phu. Lá được ủi nhiều lần, cẩn thận cho thật phẳng và láng. Hình dáng của chiếc nón lá Huế phụ thuộc rất nhiều vào khung chằm.
Khung chằm (còn gọi là khuôn nón) phải được đặt riêng với yêu cầu cụ thể để dáng của chiếc nón lá sau này cân đối, đẹp mắt, vừa ý. Người thợ làm khung nón giữ kỹ thuật tạo dáng mái, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành... như một thứ gia bảo cha truyền con nối, theo một thẩm mỹ dân gian "hay mắt" mà thật ra là cả một tỷ lệ thích hợp đã được nhiều đời và nhiều vùng kiểm nghiệm "thuận mắt ta ra mắt người".
Khi xây và lợp lá phải thật khéo, nhất là khâu sử dụng lá chêm, tránh việc chồng nhau nhiều lớp để sao cho nón thanh và mỏng, mũi chỉ chằm phải sát để kẽ lá ôm khít lấy nhau.
Khi nón chằm hoàn tất, người thợ đính cái soài bằng chỉ màu rất đẹp vào chóp nón sau đó mới phủ dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để thành nón bóng láng và giữ được bền.
Nhờ kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, nón lá Huế không những mang được dấu ấn biểu trưng cho vẻ đẹp của Huế, của làng nghề văn hóa Huế mà còn trở thành hàng lưu niệm được ưa thích của mọi người khắp nơi đến Huế và của nhiều du khách quốc tế.
Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)