Cây mai vàng Yên Tử ra hoa vào giai đoạn thời tiết lạnh nhất trong năm, đặc trưng cho thời tiết khu vực vùng núi miền Bắc.

Vị trí nằm trong cánh cung Đông Triều, có nhiều dãy núi cao ở phía Bắc và thấp dần xuống phía Nam, đã tạo cho Yên Tử một chế độ khí hậu đặc trưng, vừa mang tính chất khí hậu miền núi, vừa mang tính chất khí hậu miền duyên hải. Dãy Yên Tử chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu Đông Bắc Bộ mang nét đặc trưng nóng ẩm, mưa nhiều về mùa hè, hanh khô kéo dài về mùa đông.


Nhiệt độ

Nhiệt độ trong các năm không có nhiều biến động, nhiệt độ trung bình năm ở mức gần sát nhau với nhiệt độ trung bình năm dao động trong khoảng từ 23 độ C đến 24 độ C. Nhiệt độ phụ thuộc nhiều vào độ cao và các mùa trong năm. Tuy nhiên mai vàng Yên Tử sinh trưởng và phát triển tập trung nhiều ở độ cao từ 300 - 800m so với mực nước biển nên nền nhiệt độ trung bình thấp hơn so với các vùng dưới thấp nhưng chênh lệch không đáng kể, khoảng 1 - 2 độ.


Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất tập trung vào các tháng 12 đến tháng 2 năm sau, tùy từng năm với nhiệt độ trung bình dao động trên dưới 15 độ C. Những ngày lạnh nhất nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Thời gian sinh trưởng và ra hoa của mai vàng Yên Tử rơi vào thời điểm nhiệt độ thấp nhất trong năm (trên - dưới 20 độ C).

Chế độ mưa

Chế độ mưa của khu vực Yên Tử phụ thuộc vào ảnh hưởng của 2 khối không khí. Lượng mưa từ tháng 05 đến tháng 09 chủ yếu do tác động của gió Đông và gió Đông Nam mang lại và từ tháng 10 đến tháng 04 năm sau do tác động trực tiếp của gió Bắc và gió mùa Đông Bắc. Tổng lượng mưa trung bình năm đạt từ 1.600 - 1.800mm. Lượng mưa trong năm tập trung chủ yếu từ tháng 5 - 9, trong thời gian này, lượng mưa chiếm khoảng 85-87 % tổng lượng mưa cả năm.

Các tháng còn lại lượng mưa rất thấp, các tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 10 - 3 năm sau, có những năm tháng 11 thậm chí không có mưa (năm 2010) hoặc nếu có cả tháng chỉ được 1,6mm (năm 2009). Như vậy, thời điểm ra hoa của cây mai vàng vào thời điểm hầu như không có mưa hoặc là mưa rất ít.

Cây mai vàng Yên Tử ra hoa vào giai đoạn thời tiết lạnh nhất trong năm. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Cây mai vàng Yên Tử ra hoa vào giai đoạn thời tiết lạnh nhất trong năm. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Hướng gió

Có hai hướng gió thịnh hành ở khu vực Yên Tử là gió Đông Nam thổi vào mùa hè và gió Đông Bắc vào mùa đông. Sức gió (tốc độ gió) trong vùng khá ổn định, dao động ở mức 1-2m/s và không có biến động lớn qua các năm. Gió ôn hòa do vậy trong từng năm khu vực này ít chịu ảnh hưởng của gió bão. Tốc độ gió cao trung bình trong khoảng 8-13m/s, do đó số ngày có gió bão trong năm chỉ một hai ngày hoặc có năm không có ngày nào (năm 2010), năm có nhiều ngày gió bão nhất là năm 2009 (10 ngày).

Độ ẩm

Độ ẩm của khu vực cao và ổn định, với độ ẩm trung bình hàng năm đạt từ 80 - 82%, độ ẩm trung bình của các tháng dao động từ 70 - 90%. Độ ẩm cực tiểu thường xuất hiện từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 hoặc tháng 3 năm sau tùy từng năm và dao động trong khoảng từ 22 - 40%. Tuy nhiên tháng 10 - 1 là những tháng tập trung nhiều ngày có độ ẩm thấp nhất (khoảng 8 đến 19 ngày), trùng với mùa ẩm thấp (lượng mưa thấp trong cả năm) và trùng với thời kỳ hoạt động của gió Đông và Đông Nam.

Tổng số giờ nắng trong năm những năm qua dao động trong khoảng 1.100 giờ/năm đến 1.600 giờ/năm với diễn biến khá đồng đều giữa các năm. Những tháng có nhiều giờ nắng tập trung trong khoảng từ tháng 5 - 11, dao động trong khoảng 100 - 200 giờ/tháng, những tháng có ít giờ nắng tập trung vào các tháng từ tháng 12 - 4 năm sau, dao động trong khoảng từ 15 đến gần 100 giờ nắng/tháng.

Lượng bốc hơi nhìn chung tăng nhẹ trong những năm qua, với lượng bốc hơi cả năm dao động trong khoảng 1.000- 1.200mm, thường bốc hơi nhiều vào các tháng cuối năm từ tháng 10 - 12.

Nhiệt độ đất khá ổn định với mức trung bình không biến động nhiều giữa các năm và giữa các tháng. Nhiệt độ mặt đất trung bình cao dao động trong khoảng từ 30 - 33 độ C từ tháng 5 - 10. Các tháng còn lại nhiệt độ dao động trong khoảng từ 16 đến gần 30 độ C. Nhiệt độ mặt đất cao nhất thường rơi vào các tháng từ tháng 05 - 9 (khoảng 60 - 67 độ C). Nhiệt độ mặt đất thấp nhất thường rơi vào các tháng 12, tháng 1 và tháng 2 (khoảng 6 - 7 độ C).

Như vậy, xét về điều kiện thời tiết, khí hậu, thời gian cây mai vàng sinh trưởng, ra nụ và nở hoa vào thời điểm thời tiết khu vực Uông Bí có nhiệt độ thấp, độ ẩm và lượng mưa thấp nhất trong năm, trời ít nắng. Cây mai vàng Yên Tử ra hoa vào giai đoạn thời tiết lạnh nhất trong năm, đặc trưng cho thời tiết khu vực vùng núi miền Bắc.

Thời kỳ cây rụng lá, ra mầm, ra nụ và nở hoa trùng vào những tháng lạnh giá. Ảnh: Dulichvn.
Thời kỳ cây rụng lá, ra mầm, ra nụ và nở hoa trùng vào những tháng lạnh giá. Ảnh: Dulichvn.

Trên cơ sở những phân tích ở trên, những yếu tố tự nhiên quyết định đến chất lượng của mai vàng Yên Tử được thể hiện như sau:

Nắng/ánh sáng là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây. So với yêu cầu sinh thái của mai vàng nói chung thì số giờ nắng ở khu vực Yên Tử thấp hơn khá nhiều, do sự che phủ của rừng tự nhiên và các dãy núi cao. Tuy nhiên, trong quá trình chọn lọc tự nhiên, mai Yên Tử vẫn tự lựa chọn được những khu vực có được nhiều ánh sáng nhất để tồn tại.

Xét về điều kiện sinh thái của cây, so với các khu vực khác, ánh sáng để cung cấp cho quá trình ra hoa của mai vàng Yên Tử thấp hơn nhiều so với các khu vực khác (dưới 1.600 giờ nắng/năm), tác động nhiều đến màu sắc của lá, đặc biệt là hoa. Do vậy màu của hoa mai vàng Yên Tử không phải là “vàng đậm” hay “vàng rực”, như mai vàng của các địa phương khác mà là màu “vàng chanh tươi”.

Vùng trồng mai vàng Yên Tử nằm trong khu vực Đông Bắc Việt Nam, nên cũng chịu sự khắc nghiệt của cái lạnh mùa đông phương bắc, cộng thêm địa hình núi đá cao khiến cho vùng núi Yên Tử lạnh hơn các vùng khác từ 1 - 2 độ C. Thời kỳ cây rụng lá, ra mầm, ra nụ và nở hoa trùng vào những tháng lạnh giá (từ tháng 12 - 3 dương lịch) với nhiệt độ thấp nhất trong cả năm xuống dưới 10 độ C (khoảng từ 5 - 8 độ C), có thời điểm biên độ dao động nhiệt trong ngày có khi lên tới 20 độ C, đây là một điều kiện quan trọng để hình thành mùi thơm của hoa mai Yên Tử. Nhiệt độ chênh lệch ngày đêm, kết hợp với nhiệt độ thấp dẫn đến mùi hương của hoa mai Yên Tử dịu, không hắc như hoa mai ở các vùng có nhiệt độ cao, đồng thời dễ cảm nhận và lan tỏa hơn.

Thời kỳ mai vàng Yên Tử rụng lá, ra nụ và nở hoa (từ tháng 11, 12 đến tháng 3, tháng 4) là thời kỳ độ ẩm trung bình ở khu vực Uông Bí, Đông Triều thấp tương đối, lượng mưa rất ít so với các tháng còn lại trong năm, trong khi đó lượng bốc hơi cao, tạo thời kỳ "sốc khô" tự nhiên kích thích cây mai ra hoa. Tuy nhiên, sự sai khác lớn nhất về độ ẩm ở tiểu vùng núi Yên Tử là luôn cao hơn so với khu vực khác thuộc Đông Triều, Uông Bí, do hai yếu tố về địa hình tạo thành.

Với đặc thù địa hình là một dãy núi cao, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, kết hợp với sự hình thành của địa hình núi Yên Tử đó là độ dốc cao ở phía Bắc (giáp tỉnh Bắc Giang) và thoải dần về phía Đông (khu vực Đông Triều, Uông Bí) (ảnh nhỏ ở trên), do đó độ ẩm ở khu vực phía đông luôn ở ngưỡng cao so với các vùng khác, do dãy núi Yên Tử chắn gió mùa Đông Bắc được thổi theo hướng Bắc - Đôtheo chiều che của núi Yên Tử) Yếu tố thứ hai địa hình cao, bị chia cắt nên khu vực này sương mù che phủ nhiều, kéo dài và ít gió (nhất là độ cao từ 500m trở lên), đặc biệt là thời điểm hoa mai vàng ra hoa.

Do ít chịu tác động trực tiếp của gió mùa khô, nhiều sương mù nên độ ẩm trong ngày biến động từ 75% - 90%, như vậy độ ẩm trung bình ở tiểu vùng này luôn cao hơn 2 - 4% so với các khu vực khác. Do độ ẩm cao, địa hình chia cắt, ít chịu trực tiếp gió mùa khô nên sương mù nhiều, nên khu vực này hình thành có "mưa nhỏ" bằng những hạt sương đọng trên lá, cánh hoa. Chính vì vậy mà hoa mai có thể nở trong điều kiện thời tiết lạnh, đồng thời sự tác động của “mưa” sương mù làm cho màu hoa không sắc ánh, hoa bền và đẹp hơn.

Như vậy, vùng trồng mai vàng Yên Tử chịu ảnh hưởng của sự khắc nghiệt của cái lạnh mùa đông phương bắc, cộng thêm địa hình núi đá cao khiến cho vùng núi Yên Tử lạnh hơn các vùng khác từ 1 - 2 độ C. Thời kỳ cây rụng lá, ra mầm, ra nụ và nở hoa trùng vào những tháng lạnh giá, biên độ dao động nhiệt trong ngày có khi lên tới 20 độ C, đây là một điều kiện quan trọng để hình thành mùi thơm của hoa mai Yên Tử. Nhiệt độ chênh lệch ngày đêm, kết hợp với nhiệt độ thấp dẫn đến mùi hương của hoa mai Yên Tử dịu, không hắc như hoa mai ở các vùng có nhiệt độ cao, đồng thời dễ cảm nhận và lan tỏa hơn.