Chất lượng đặc thù của mật ong bạc hà Mèo Vạc gắn liền với cây nguồn mật bạc hà dại chỉ phân bố duy nhất tại Cao nguyên đá Đồng Văn, được khai thác mật từ tháng 10 - 12 và điều kiện khí hậu khô hạn, địa hình núi đá cao.

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có tên gọi là mật ong bạc hà do được sản xuất từ cây nguồn mật bạc hà dại có nguồn gốc duy nhất tại Cao nguyên đá Đồng Văn. Các nước xuất khẩu mật ong lớn trên thế giới cũng không có loại mật ong bạc hà, ngoại trừ Trung Quốc - khu vực giáp ranh với cao nguyên đá Đồng Văn.

Do địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh nên khí hậu cao nguyên đá mang nhiều sắc thái ôn đới và chia làm 2 mùa: Mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4). Nhiệt độ trung bình năm khoảng 24-28ºC, mùa đông nhiệt độ có khi xuống tới -5ºC.

Nhưng từ tháng 9-12 âm lịch, khi cây ngô cuối cùng trên nương đá tai mèo của người Mông (Đồng Văn - Hà Giang) được thu hoạch cũng là lúc những cây Bạc hà trổ bông tím hồng, vươn mình trên đá tạo nên mùa hoa Bạc hà tím cả không gian. Trong những tia nắng cuối thu, loài hoa dại ấy nhẹ nhàng đưa hương quyến rũ, thu hút loài ong mật cần mẫn làm nên những giọt mật độc nhất, vô nhị mang tên mật ong Bạc hà.

Tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá, cây bạc hà mọc quanh năm xen kẽ trong các hốc đá và ven rừng. Cây bạc hà thường nở rộ hoa từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch.

Bạc hà tại Cao nguyên đá Đồng Văn là cây cỏ dại, thân thảo, chi kinh giới Elsholtziae, họ hoa môi Lamiaceae và tên loài Elsholtzia cypriani (Pavol, Wu et Chow), tên tiếng Anh Elsholtzia grass, tên tiếng Việt Bạc hà dại. Thân cây tròn hoặc hơi vuông, cao 42 – 109 cm, đường kính gốc 0,5 - 1,2 cm. Cây bụi phân cành, chủ yếu là cành cấp I (5-32 cành), có thể phân cành cấp II (23 - 160 cành) hoặc cấp III. Mỗi ngọn có một cụm hoa hình bông dài với tổng số bông từ 35 - 560. Bông ngọn dài nhất 6,81 ± 1,70 cm, bông cành cấp I dài 4,83 ± 1,42 cm. Lá mọc đối, phiến hình mũi mác, mép lá khía răng cưa không đều từ 8 - 16 răng. Phiến lá dài 6,03 ± 1,57 cm, rộng 1,85 ± 0,35 cm, cuống lá dài 10 mm, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới màu xanh nhạt.

Hoa bạc hà. Ảnh: Tuoitre.
Hoa bạc hà.

Hoa thuộc loại cụm hỗn hợp, xếp thành 3 hoa/cụm, khi nở tạo thành hàng dọc, khi hàng đầu tiên tắt thì hàng tiếp theo nở. Đặc tính này tạo cảm giác hoa nở lâu và khả năng cung cấp mật phấn tốt cho ong mật. Hoa (kinh giới dại bông tròn) lưỡng tính theo công thức K5C5A4G2 (5 đài, 5 tràng, 5 thùy, 4 vòi nhị 2 cao và 2 thấp, nhị hình hạt đậu). Vòi nhụy sẻ thành 2 đầu. Mỗi một cụm hoa dài là 52,79 ± 4,11 mm và số lượng 593,63 ± 66,71 hoa/bông phức, và 19 1209 hoa/bông đơn). Mỗi nhị chứa 369,38 1927,50 hạt phấn và 1.477,09 7.709,57 hạt phấn/hoa.

Bạc hà mọc tự nhiên, tự nảy mầm từ tháng 7 và 8, ra hoa vào tháng 11, 12 và chết lụi vào tháng 12 - 1. Tại Cao nguyên đá Đồng Văn, có 2 loại bạc hà khác nhau: Loại hoa hình đuôi cáo và hoa bàn chải.
Mật ong tại Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc loại đa hoa. Trong mật ong bạc hà có các loại hạt phấn sau: Bạc Hà, Đơn Buốt, Hoa Ngũ sắc, Cỏ Lào và những hạt phấn chưa xác định được nguồn gốc thực vật

Chất lượng đặc thù của mật ong bạc hà “Mèo Vạc” gắn liền với cây nguồn mật bạc hà dại chỉ phân bố duy nhất tại Cao nguyên đá Đồng Văn, được khai thác mật từ tháng 10 - 12 và điều kiện khí hậu khô hạn, địa hình núi đá cao.