Phan Thiết có biến thiên nhiệt độ giữa các tháng không lớn, ít mưa, nhiều nắng và gió là những điều kiện lý tưởng cho việc cá chín trong muối. Nhờ đó, nước mắm Phan Thiết có hương vị đặc trưng.

Nguồn gốc nước mắm Phan Thiết

Bình Thuận có vùng biển rộng dài, nghề đánh bắt phát triển, với điều kiện thời tiết thích hợp, lượng cá cơm, cá nục được tập trung nối thành từng đàn lớn, có khi từ 10 - 20 tấn. Nước mắm chế biến từ các cơm có mùi vị thơm ngon, màu sắc vàng và sáng đẹp. Còn nước mắm chế biến từ cá nục có màu nâu vàng, màu sắc không sáng bằng nước mắm từ cá cơm nhưng hàm lượng đạm luôn rất cao. Chất lượng mà nó có được là nhờ các điều kiện về vùng biển, tài nguyên rừng và bí quyết truyền thống của nhà sản xuất.

Giả thiết về tên gọi Phan Thiết cho rằng: Khi chưa có người Việt định cư, người Chăm gọi vùng đất này là "Hamu Lithít" - "Hamu" là xóm ruộng bằng, "Lithít" là ở gần biển. Khi bắt đầu có người Việt định cư, vẫn chưa ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Lâu dần, âm cuối "Lithit" lại được gắn liền với âm "Phan" tách từ phiên âm của tên hai vùng Phan Rang, Phan Rí mà thành ra Phan Tiết (tên gọi ngày xưa) và sau này người ta gọi chuẩn với cái tên là Phan Thiết.

Vùng đất Phan Thiết - Bình Thuận với bờ biển trải dài. Ảnh: Đặc sản Phan Thiết.
Vùng đất Phan Thiết - Bình Thuận với bờ biển trải dài. Ảnh: Đặc sản Phan Thiết.

Vùng đất này khi xưa thuộc vương quốc Chămpa, sau này sáp nhập vào Đại Việt. Hành chính được xác lập cùng thời gian hình thành tỉnh Bình Thuận ngày nay, nhưng khi ấy nó chưa được xác định địa giới và cấp hành chính gì.

Dân cư Phan Thiết chủ yếu là người Việt, có một bộ phận người gốc Hoa sinh sống trong trung tâm thành phố, tập trung nhiều ở phường Đức Nghĩa và Lạc Đạo. Ngư nghiệp là ngành nghề lâu đời của người Phan Thiết. Cùng với La Gi và Phú Quý, Phan Thiết là ngư trường lớn của tỉnh Bình Thuận. Song song đó, Phan Thiết là nơi được thiên nhiên ưu đãi một khí hậu tự nhiên phù hợp với nghề sản xuất nước mắm. Biến thiên nhiệt độ giữa các tháng không lớn, ít mưa, nhiều nắng và gió là những điều kiện tự nhiên lý tưởng cho quá trình cá chín trong muối. Nhờ đó, nước mắm Phan Thiết có hương vị đặc trưng mà nước mắm ở nơi khác không thể có.

Khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, về mặt dân số cũng như kinh tế, Phan Thiết đã là một đô thị lớn của vùng duyên hải Trung kỳ. Phố Hài, Mũi Né là những cửa biển sầm uất với ghe thuyền từ Trung Kỳ, Nam Kỳ đến chở nước mắm, cá khô, dầu rái, trầm hương... vào Sài Gòn, ra Đà Nẵng buôn bán. Thậm chí có cả tàu thuyền Trung Quốc từ Quảng Đông, Hải Nam - qua đường biển từ Hội An - đến giao thương.

Xuất xứ nước mắm Phan Thiết được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý là nước mắm được làm từ cá cơm, cá nục và một số loại cá khác:

- Được đánh bắt trong vùng biển thuộc lãnh hải của tỉnh Bình Thuận và các vùng biển lân cận. Cá nục là loại nục suông và nục sồ nhỏ. Cá cơm chủ yếu là loại cá cơm sọc phấn trắng và cá cơm sọc than.

- Cá được đánh bắt theo phương pháp lưới vây, lưới vó, pha xúc.

- Được sản xuất và đóng chai tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Nước mắm Phan Thiết. Ảnh: Nước mắm Phan Thiết Mũi Né.
Nước mắm Phan Thiết. Ảnh: Nước mắm Phan Thiết Mũi Né.