Mai vàng Yên Tử là loài hoa sinh sống ở dãy núi Yên Tử, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cách đây hơn 700 năm.
Nơi sinh sống của mai vàng Yên Tử
Mai vàng Yên Tử sinh sống trên núi Yên Tử thuộc dãy Yên Tử - Bảo Đài chạy dài từ Uông Bí qua Đông Triều và một phần của Hải Dương, thuộc dải cánh cung Đông Triều, chạy dài theo hướng Tây - Đông.
Mai vàng Yên Tử sinh sống ở núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Báo Giác ngộ.
Núi Yên Tử là đỉnh cao nhất trong 3 ngọn núi của dãy Yên Tử - Bảo Đài. Dãy núi Yên Tử - Bảo Đài theo hệ tọa độ VN2000: kinh tuyến trục 1070 45` múi chiếu 30. Tọa độ X từ 376.000 m đến 476.000m và tọa độ Y từ 2343.550m tới 2326.600 m.
Địa phận hành chính của núi Yên Tử thuộc các xã Thượng Yên Công, phường Phương Đông, phường Vàng Danh, phường Bắc Sơn, phường Quang Trung, phường Thanh Sơn thuộc thành phố Uông Bí; xã Tràng Lương, xã Bình Khê thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, giáp danh với Trung Quốc và Vịnh Bắc Bộ.
Tên Yên Tử được bắt nguồn từ truyền thuyết đạo sỹ An Kỳ Sinh đến đây tu tiên luyện đan, đạt độ trường sinh và hóa đá trên núi, người sau gọi ông là An Tử, ngọn núi nơi ông tu gọi là An Tử. Thời Lê gọi chệch thành Yên Tử. Nơi này mệnh danh là “đất tổ Phật giáo Việt Nam” sau khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên núi tu hành (năm 1299), thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng ở Việt Nam là: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Xuất xứ và nguồn gốc tên gọi mai vàng Yên tử
Mai vàng Yên Tử. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Xuất xứ của mai vàng Yên tử được ghi nhập là khu vực có vị trí địa lý như sau:
- Phía Bắc giáp với khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
- Phía Nam giáp với các xã thuộc huyện Đông Triều (Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây, Hoàng Quế, Thị Trấn Mạo Khê, xã Kim Sơn) và các xã, phường thuộc thành phố Uông Bí (phường Phương Nam, phường Yên Thanh, phường Trưng Vương và phường Nam Khê).
- Phía Tây giáp xã An Sinh thuộc huyện Đông Triều.
- Phía Đông giáp huyện Hoành Bồ thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Hoa mai vàng là một loài hoa gắn với khu vực Yên Tử từ hơn 700 năm. Vì vậy, nó được gọi là mai vàng Yên Tử. Nó mang những nét đẹp sâu sắc với màu sắc và mùi thơm dịu, đồng thời có ý nghĩa tâm linh của vùng đất Phật giáo mang ý nghĩa về sức sống mãnh liệt và đầy sinh lực trong điều kiện thời tiết, khí hậu đặc thù của khu vực rừng núi Đông Bắc.