Giảm năng suất do nuôi không đúng cách
Củ Chi là một huyện ngoại thành củaTPHCM, có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp mà đặc trưng là chăn nuôi bò sữa và đồng cỏ. Chỉ riêng xã Tân Thông Hội đã có trên 700 hộ chăn nuôi bò sữa với năng suất 37 tấn/ ngày. Tuy nhiên, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, công tác nuôi dưỡng bò sữa và bê tơ hiện nay ở Củ Chi chưa cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng, nên năng suất sữa thấp, kéo dài khoảng cách lứa đẻ, bê tơ phát triển kém, chậm lên giống và hiệu quả phối giống không cao.
Theo ông Lê Bá Chung, chủ nhiệm dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm ảnh hưởng đến môi trường trong chăn nuôi bò sữa tại TPHCM” được thực hiện tại các hộ của HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, việc không cung cấp đầy đủ thức ăn theo khẩu phần có thể dẫn tới giảm năng suất và chất lượng sữa (đối với bò đang tiết sữa) cũng như giảm tăng trọng (đối với bò tơ tiết sữa).
Bò được trang bị quạt mát và hệ thống phun sương để giảm stress.
“Việc xây dựng và tính toán khẩu phần ăn cho bò sữa có tầm quan trọng rất lớn trực tiếp ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sữa cũng như hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò sữa” - ông nói và cho biết thêm, hiện đã có một chương trình, phần mềm tính khẩu phần ăn cho bò sữa thường được sử dụng trong các trang trại chăn nuôi số lượng lớn mà chưa được áp dụng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do chi phí khá cao. khả năng tiếp cận với trình độ khoa học kỹ thuật của các hộ chăn nuôi này còn thấp.
Ngoài ra, công tác quản lý phân chuồng chưa được thực hiện, phần lớn số hộ chăn nuôi chưa có hệ thống biogas, chưa có nơi để phân riêng, phân chuồng được cào ra để cạnh chuồng gây ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh khu vực chăn nuôi.
Nâng cao hiệu quả kinh tế lên 20%
Sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng chăn nuôi bò sữa ở các nông hộ, dự án đã xây dựng công thức tính lượng thức ăn, hiệu quả kinh tế bằng phần mềm Microsoft Excel. Với công thức tính lượng thức ăn cần cho ăn và lợi nhuận từ những thông tin như tháng vắt sữa, trọng lượng bò, sản lượng sữa, giá của các loại thức ăn…. giúp tránh được tình trạng dư thừa thức ăn hoặc cho ăn không đủ theo nhu cầu sản xuất của bò sữa.
“Từ những loại thức ăn sẵn có, người dân chỉ việc chọn loại thức ăn mà mình sẽ cho ăn trong ngày, phần mềm sẽ cho kết quả là lượng thức ăn cần thiết phải cho ăn để đáp ứng đủ theo từng nhu cầu của mỗi loại bò sữa. Ngoài ra, phần mềm còn tính được lợi nhuận từ giá thành của thức ăn và giá sữa” - ông Chung nói.
Ngoài hướng dẫn tính toán khẩu phần thức ăn cho hợp lý, dự án còn giúp các hộ dân cải thiện ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính nhờ quy trình ủ phân và hệ thống biogas. Hệ thống giảm stress nhiệt (quạt, hệ thống phun sương,...) cho bò cũng được triển khai thực hiện. Nhờ đó, bò không bị stress (nóng lè lưỡi, chảy nhớt, thở mạnh, kém ăn, mệt mỏi) nên lượng sữa vắt được trong ngày không bị giảm đi.
Ông Chung cho biết, việc thực hiện mô hình đã nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi từ 10-20%. Đồng thời, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể, sử dụng phần mềm vào tính khẩu phần ăn, rút ngắn khoảng cách giữa hai lứa đẻ khoảng 46,67 ngày, nên mỗi hộ dân đã tiết kiệm tiền thức ăn được khoảng gần 5.000 đồng/con/ngày. Sử dụng hầm biogas tiết kiệm được 200.000 đồng/tháng (so với nấu gas công nghiệp). Sử dụng hố ủ phân tạo ra nguồn phân bón cho cây trồng, tiết kiệm được khoảng 150.000 đồng/tháng. Ngoài hiệu quả kinh tế thu được như trên, các mô hình thử nghiệm còn thu gom chất thải rắn để bán tăng thu nhập hoặc bón cho cây trồng làm gia tăng hoặc góp phần cải tạo thành phần dinh dưỡng đất, giảm chất thải, mùi hôi ra môi trường.