Từ lâu mì gạo của người dân xã Hùng Lô (Việt Trì, Phú Thọ) đã nổi tiếng với sợi mì nhỏ, trắng, sạch, nấu chín không bị nát, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhờ gắn bó với nghề truyền thống này, nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập khá.

Liên kết làm mì sạch

Anh Cao Đăng Duy là 1 trong những hộ sản xuất mì khô lớn nhất xã Hùng Lô với quy mô 5 – 6 tạ mì/ngày. Với diện tích 400m2, nhà xưởng của anh Duy bao gồm: Khu vực nguyên liệu, khu vực vo ngâm gạo, khu vực làm thành mì và khu vực nhà sấy.

mi kho hung lo (phu tho): soi nho, trang, sach, nau khong bi nat hinh anh 1

Liên kết làm mì sạch, nhiều thành viên trong Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô có thu nhập khá.

Anh Duy cho biết: “Để chuyên nghiệp trong sản xuất, tôi đã đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất mì thay vì làm thủ công như trước đây. Đồng thời, việc sản xuất mì khô phải sạch từ gạo đảm bảo chất lượng cho đến việc nói không với chất tẩy rửa, chất phụ gia và chất bảo quản. Nhờ mô hình làm mì khô sạch, gia đình tôi có thu nhập 700 triệu đồng/năm”.

Theo anh Duy, làm mì khô là nghề truyền thống ở Hùng Lô. Từ năm 2004, làng làm mì khô Hùng Lô đã được công nhận là làng nghề truyền thống. “Làng nghề được công nhận, chúng tôi rất phấn khởi. Bởi đây là cơ hội, động lực cho nghề làm mì, bún vốn nổi tiếng của Hùng Lô phát triển hơn. Nhưng chỉ được vài năm, sản phẩm làng nghề ngày càng kém sức cạnh tranh trên thị trường. Người làm nghề, nhất là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ khó khăn, chật vật tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều nhà đã phải bỏ nghề…” - anh Duy nhớ lại.

Để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ mì khô, tháng 7.2016, Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô (HTX) chính thức được thành lập do anh Duy làm Giám đốc, quyền thương hiệu cho sản phẩm mì, bún sạch của làng cũng được đăng ký. Các công đoạn sản xuất của thành viên HTX đều đảm bảo nghiêm ngặt quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm mì khô của HTX xuất bán ra thị trường được đóng gói, có logo, nhãn mác riêng. Hiện, HTX có 9 thành viên là các hộ sản xuất mì, bún sạch trong xã.

Đầu tư máy móc hiện đại

Chị Nguyễn Thị Thức - thành viên HTX cho biết, trước đây, việc làm mì khô của gia đình chị hoàn toàn thủ công, trong khi đó giá gạo ngày càng tăng nên giá thành đội lên. Mì Hùng Lô nổi tiếng ngon, nhưng ngoài chịu sự canh tranh về giá, còn bị cạnh tranh bởi các loại đồ khô như mì, phở, mì tôm công nghiệp.

“Nếu giữ cách làm cũ e rằng không thể “sống” được. Tham gia HTX, chúng tôi đã cùng nhau liên kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm mì khô sạch và ngon. Các thành viên đã chung vốn đầu tư dây chuyền sản xuất mì khô gồm nồi hấp mì, lưới đùn sợi... Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, năng suất, chất lượng mì khô được cải thiện đáng kể” - chị Thức nói.

Để cho ra lò mẻ mì chất lượng cao, người dân phải làm nhiều công đoạn. Nguyên liệu làm mì phải chọn gạo sạch, ngâm khoảng 4 tiếng cho mềm. Sau khi ngâm, gạo phải rửa qua một nước nữa rồi mới cho vào cối xay thành bột. Sau đó hàm bột thành hồ, đưa bột vào máy đùn sợi mì, quét ra phên và cuối cùng phơi khô mì. Trong đó việc nấu bột, hấp mì rất quan trọng, nếu chưa chín mì sẽ bị sượng, chín quá khi nấu mì sẽ nở bung, nát bét” - chị Thức cho hay.