Làm thức ăn từ bỏng ngô, phòng bệnh bằng thảo dược, lót đệm sinh học... là những cách làm ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao.

Nhằm giúp các đàn vật nuôi có sức đề kháng cao, ít bệnh tật và cho năng suất cao, bà con ở nhiều vùng trong cả nước luôn học hỏi và áp dụng những phương pháp hữu ích cho trang trại của mình. Những phương pháp này ít tốn kém mà lại đem về hiệu quả cao, giúp vật nuôi lớn nhanh, khỏe mạnh và hạn chế bệnh dịch.

Thức ăn từ bỏng ngô

polyad

Bỏng ngô vừa được trang trại sơ chế và chuẩn bị đem đi xay thành bột. Ảnh: Biz Media.

Tại trang trại nuôi lợn hữu cơ của anh Tô Hiến Thành (xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang), thức ăn chăn nuôi lợn được chế biến từ bột xay của bỏng ngô. Trang trại này dùng bột ngô xay từ bỏng ngô nhằm hạn chế các loại nấm mốc, vi sinh vật có hại có thể tồn tại trong bột ngô tươi.

Ngô hạt sau khi mua về được đưa vào máy nổ bỏng sau đó nghiền ra phối trộn với nguyên liệu như cám gạo, bột đỗ tương, men vi sinh, giúp lợn tiêu hóa triệt để thức ăn, hạn chế mùi hôi của phân, đồng thời tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Phòng bệnh bằng thuốc thảo mộc

Tỏi là một trong những nguồn kháng sinh tự nhiên không chỉ giúp con người phòng bệnh mà còn hiệu quả với cả vật nuôi. Tại thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, bà con nuôi vịt suối thường đập dập tỏi, chắt nước hòa lẫn nước sạch và cho vịt uống để phòng bệnh. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá lòng hồ thủy điện Hòa Bình cũng trộn lẫn tỏi vào thức ăn để cá lăng, cá rô, cá diêu hồng trong các lồng nuôi khỏe mạnh.

Đệm lót sinh học

polyad

Đệm lót sinh học từ mùn cưa, trấu giúp phòng bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Biz Media.

Từ nhiều năm nay, bà con nông dân chuộng phương pháp sử dụng đệm lót sinh học từ trấu và mùn cưa cho chuồng trại chăn nuôi của mình. Loại đệm lót này có tác dụng tăng sức đề kháng, phòng một số bệnh như lở mồm long móng, cảm cúm... Ngoài ra, nó còn có khả năng tự phân hủy chất thải, giúp chuồng trại luôn khô thoáng, sạch mùi hôi.

Trong chăn nuôi lợn, đệm lót có thể làm bằng trấu và mùn cưa với độ dày khoảng 60cm, kết hợp cùng hỗn hợp men vi sinh và bột ngô, trong khi với gia cầm, lớp trấu hoặc mùn cưa lót trên nền chuồng chỉ dày 20cm.

Sau đó, người nuôi sẽ tiến hành ủ men sinh học và cám gạo với tỉ lệ 1 trên 3 trong 3 ngày. Một kg hỗn hợp men sinh học có thể rải trên 40m2 đất. Thời gian sử dụng đệm lót khoảng 12 tháng.

Tránh rét cho cá

Vào mùa đông lạnh, bà con nuôi cá vược tại Lập Lễ, Hải Phòng thường tránh rét cho cá bằng cách cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật. Bên cạnh việc làm cứng hệ thống dẫn nước, kè gạch bờ bao xung quanh, hướng nạo vét đáy là yếu tố giúp cá vượt qua thời tiết khắc nghiệt của mùa đông. Khi nạo vét, phần mạn đáy được thiết kế đào sâu hơn về hướng đông bắc.

Ở trên bờ, nhà và lều bạt cũng phải xây dựng quay về phía đông bắc để chắn gió. Khi gió mùa tràn về, phía bờ đông bắc sâu hơn và được chắn gió nên nước sẽ ấm. Lúc này, đàn cá vược sẽ tự động đổ dồn về hướng này để tránh rét. Ngoài ra, nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 15 độ C, người nuôi cá phải cho dừng hoạt động của toàn bộ hệ thống quạt nước để cá không bị ngạt và chết.