Nhiều nông dân trồng tiêu, cà phê tại Đắk Nông bị thiệt hại nặng nề do cây trồng chết hàng loạt sau khi bón phân.
Ông Phạm Đình Vững, ngụ thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là chủ một rẫy cà phê, tiêu với diện tích trên 6 ha đang cho thu hoạch ổn định. Tháng 11/2016, ông Vững mua 2 tấn phân NPK của Công ty cổ phần Phân bón Quốc tế, có trụ sở chính tại ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh để bón cho cà phê. Sau khi bón phân cho hơn 1ha cà phê được khoảng 3, 4 ngày thì hàng trăm gốc xuất hiện tình trạng vàng, rụng lá hàng loạt.
Ông Vững kể gia đình mình trồng cà phê, tiêu với quy mô tương đối lớn nên luôn luôn thận trọng khi chọn mua phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật. Liên tục mấy năm gần đây, ông chỉ mua phân bón tại Đại lý Giang Nhanh ở thôn Đắk Lưu cùng xã. Riêng phân NPK của Công ty cổ phần Phân bón Quốc tế đã được gia đình ông sử dụng bón cho cây trồng nhiều lần trong năm 2016 và các lần trước cây trồng đều phát triển tốt.
Nhưng ông không ngờ lần này thì cây rụng lá và chết hàng loạt. Cũng theo ông Vững, khi vừa mở các bao phân ra để bón cho cà phê, ông và người thân đã nhận thấy nhiều dấu hiệu khác lạ. Cụ thể, phân trong bao vốn thành cục và có màu trắng như vôi. Đập vỡ ra thì bên trong có nhiều hạt đủ màu đỏ, xanh, vàng lẫn lộn. Thêm nữa, sau khi bón phân xong thì nhiều người bị dị ứng, rát buốt tay rất khó chịu.
Sau khi phát hiện cà phê héo rũ, rụng lá, gia đình ông Vững báo cho Đại lý Giang Nhanh và ngay hôm sau, người của đại lý cùng đại diện của Công ty cổ phần Phân bón Quốc tế đã đến làm việc với gia đình ông. Đại diện công ty đã “chữa cháy” bằng cách bón vôi và tưới nước để cứu vườn cây. Đồng thời thỏa thuận bằng văn bản với gia đình ông Vững sẽ “cùng nhau khắc phục những cây cà phê đang rụng lá; sau khi khắc phục, phía công ty sẽ có trách nhiệm đền bù những cây không thể khắc phục được” . Biên bản này được đại diện công ty, đại lý ký xác nhận vào ngày 18/11/2016.
Hiện nay, nhiều cây cà phê trong vườn gia đình ông Vững đã hồi phục. Qua kiểm đếm, cơ quan chức năng xác định vườn cà phê của ông Vững có 120 cây bị chết do bón phân. Tuy nhiên, gia đình ông Vững không đồng ý vì cho rằng con số này không đúng với thực tế. Hiện vụ việc vẫn đang “giậm chân tại chỗ” nhiều tháng nay.
Rõ ràng, việc xử lý tới nơi tới chốn vụ việc của gia đình ông Phạm Đình Vững là rất cần thiết, để đảm bảo lợi ích hợp pháp của gia đình ông với tư cách là một người tiêu dùng và cũng tránh tình trạng người dân hoang mang do phân bón kém chất lượng. Các ngành chức năng cần vào cuộc làm rõ nguyên nhân, đặc biệt là chất lượng phân bón. Cho dù đơn vị sản xuất phân bón có khắc phục hậu quả và bồi thường những cây không thể khắc phục thì trách nhiệm liệu đã hết, khi mà phân bón là nguyên nhân chính gây… hại cho cây trồng?
Tương tự như trường hợp của gia đình ông Vững, nhiều hộ nông dân trồng tiêu tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông cũng điêu đứng vì cây trồng chết hàng loạt sau khi bón phân. Và sự việc cũng đã xảy ra nhiều tháng nhưng vẫn chưa được xử lý.
Theo phản ánh của Hội Nông dân xã Quảng Sơn, vào đầu tháng 4 vừa qua, nhiều hộ nông dân trồng tiêu trong xã xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Có hộ chết trụi gần 1.000 gốc, nhiều hộ khác cũng bị chết hàng trăm, hàng chục gốc tiêu đang cho thu hoạch ổn định, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.
Anh La Văn Thành, ngụ bon N’Tinh, xã Quảng Sơn cho biết, vào khoảng tháng 11/2016, sau khi bón phân được hơn 20 ngày, vườn tiêu 5 năm tuổi của gia đình anh bắt đầu héo rũ và chết trụi. Loại phân anh Thành sử dụng bón cho tiêu là phân hữu cơ nhãn hiệu Mai Nở của Công Ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại – Dịch vụ – Sản xuất Huy Bảo (có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Trước đó khoảng 2 tháng, ông Đinh Văn Độ, ngụ thôn 3B cùng xã cũng có hơn 400 trụ tiêu bị chết trụi sau khi bón phân của Công ty Huy Bảo với các triệu chứng tương tự.
Anh Thành cho biết sau nhiều tháng nỗ lực cứu vườn tiêu bằng đủ cách khác nhau nhưng không hiệu quả, hiện vườn tiêu của anh đã chết gần 1.000 trụ và vẫn còn nhiều trụ đang tiếp tục bị úa vàng, có khả năng sẽ tiếp tục chết. Anh Thành cũng vừa gửi đơn đến UBND xã Quảng Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, xác định rõ nguyên nhân. Hiện gia đình anh đang chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên về quy trình xử lý các sự cố trên cây trồng, vật nuôi như các trường hợp đã nêu ở trên, ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Nông cho biết, đơn vị này và các đơn vị chức năng liên quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông sẽ vào cuộc xử lý nếu nhận được phản ánh của người dân bằng văn bản. Còn các phản ánh, báo cáo bằng miệng thì đơn vị này không xử lý do không đủ nhân lực, cũng như điều kiện đặc thù của tỉnh là dân cư phân bố thưa thớt, điều kiện đi lại khó khăn.
Ông Phạm Trường Độ, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đắk Nông cũng đưa ra một quy trình tương tự, tức là đơn vị này sẽ vào cuộc xác minh nếu công dân có đơn thư khiếu nại, đề nghị xem xét giải quyết. Ông Phạm Trường Độ cũng nêu ra một số quy định khá chặt chẽ của ngành mình về việc xử lý các khiếu nại, tố cáo của người dân về phân bón kém chất lượng.
Cụ thể là phải có mẫu hợp lệ, tức còn bao bì rõ ràng, còn niêm phong cũng như các hóa đơn, chứng từ liên quan tới việc mua bán. Việc lấy mẫu phân bón xét nghiệm chỉ hợp lệ khi có tối thiểu 6 bao, chứ 1 bao thì… chịu.