Đến thời điểm này, thiết bị lọc nước TĐC đã được Sở KH&CN Long An chuyển giao tới gần 30 đơn vị trong và ngoài tỉnh. Nước lấy từ các giếng khoan nhiễm phèn sau khi lọc đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT.

Tinh khiết hoá nước nhiễm phèn

Thiết bị lọc TĐC do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Long An) chế tạo vừa bảo tồn các tính năng, vừa khắc phục các hạn chế của bể lọc. Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận công nghệ xử lý nước TĐC và Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền.

Được tiến hành nghiên cứu từ năm 2007, đến năm 2010 công nghệ lọc này bắt đầu được chuyển giao. Đến nay, hơn 30 sản phẩm đã có mặt trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Hồ Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - cho biết: “TĐC là công nghệ xử lý nước lấy từ nguồn nước ngầm và cả nước mặt, khử phèn sắt, mangan, asen, khử mùi và hàm lượng chất rắn lơ lửng (cặn). Đặc biệt, thiết bị lọc TĐC dùng màng áp suất thấp để loại bỏ những phân tử có kích thước lớn ra khỏi nguồn nước. Với áp suất 0,8-1,4kg/cm2, nước, muối khoáng và các phân tử nhỏ hơn lỗ lọc sẽ chui qua màng dễ dàng. Các phân tử có cỡ lớn hơn, các loại virút, vi khuẩn sẽ bị giữ lại và thải ra ngoài”.

Nghiệm thu và bàn giao hệ thống xử lý nước sinh hoạt tại Đồn biên phòng Mỹ Quý Tây (Đức Huệ, Long An). Ảnh: NV

Theo bà Lê Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc trung tâm, đầu năm 2016, 2 hệ thống xử lý nước sinh hoạt và nước tinh khiết đã được bàn giao tại huyện Cần Đước và huyện Đức Huệ (Long An).

Mô hình trên đã cung cấp nước cho Trường Tiểu học Long Hựu Đông 1 (huyện Đức Huệ) đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT, công suất 1m3/giờ và cung cấp nước uống tinh khiết đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT, công suất 70 lít/giờ. Kinh phí đầu tư là hơn 89 triệu đồng.

Mô hình xử lý nước sinh hoạt cho trạm cấp nước ấp Đình, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước nhằm phục vụ nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn 02:2009/BYT có công suất 8-10m3/giờ, giá gần 130 triệu đồng.

Giới thiệu công nghệ sản xuất nước tinh khiết đóng chai cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu, ông Nguyễn Hồ Hạnh phấn khởi giới thiệu: “Đây là sự kết hợp của 3 công nghệ tiến bộ làm cho dây chuyền công nghệ sản xuất nước đóng chai có chất lượng cao, mỹ quan đẹp và giá cả hợp lý. Bước đầu lọc thô, hệ thống sử dụng công nghệ xử lý nước TĐC, giai đoạn tinh lọc thì ứng dụng công nghệ lọc cơ học bằng màng lọc có kích thước lỗ lọc nhỏ từ 20µ-0.2µ để loại bỏ các tạp chất bằng phân tử. Công nghệ thẩm thấu ngược giúp loại bỏ các tạp chất dạng ion trong nước. Cuối cùng, nước được khử trùng bằng khí ozon và tia cực tím UV”.

Sẽ bổ sung công nghệ xử lý nước mặn, lợ

Nhận xét về hệ thống xử lý nước lọc này, ông Dương Văn Quới - Đồn biên phòng Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa (Long An) - cho biết: “Xét về chất lượng thì hệ thống lọc cho nước ngon, ngọt hơn so với bình nước sản xuất đại trà mua ở bên ngoài. Hệ thống dễ dàng vận hành, gọn nhẹ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Hệ thống không chỉ cung cấp nước uống và nấu ăn cả đơn vị mà còn cung cấp cho các hộ dân gần đồn sử dụng”.

So sánh với hệ thống xử lý nước được sử dụng trước đó, ông Lý Văn Ba - Trưởng ấp 2, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa (Long An) - cho biết: “Ấp 2 đã có gần 2 năm sử dụng hệ thống xử lý và lọc nước sinh hoạt của Trung tâm Ứng dụng KH&CN. Hệ thống lọc nước trước đây cả ấp sử dụng chưa được tốt, nước sau khi lọc còn nhiều tạp chất. Sử dụng lâu ngày, tạp chất đóng ở viền ống rất khó vệ sinh. Trong khi đó, hệ thống lọc mới sử dụng lớp lọc bằng cát, đá và đá trứng nên rất sạch, không có tạp chất đóng trong ống, dễ dàng súc rửa”.

Hiện nay, hệ thống nước lọc này cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 145 hộ dân tại ấp 2. Do nhu cầu sử dụng lớn nên ông Ba đề xuất thiết kế ống xả nước đã qua xử lý có kích thước lớn hơn.

Bên cạnh đó, với chủ trương khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, Đồn biên phòng Bình Thạnh còn ứng dụng pin năng lượng mặt trời vào hệ thống xử lý nước nhằm cung cấp nước sinh hoạt, nước uống tinh khiết đạt chuẩn.

Ông Dương Văn Quới cho biết, đồn đang sử dụng 2 hệ thống pin mặt trời dành cho hệ thống lọc nước và hòa vào lưới điện quốc gia. Theo thống kê, sau 2 tháng sử dụng, mỗi tháng đơn vị tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng tiền điện.

Phân tích các điểm cần hoàn thiện của hệ thống xử lý nước lọc, ông Nguyễn Hồ Hạnh nói: “Ưu điểm của công nghệ xử lý TĐC là khử phèn tốt. Ở những khu vực nước có hàm lượng phèn cao, nước qua hệ thống lọc vẫn được xử lý triệt để. Tuy nhiên, với nước mặn và nước lợ thì hệ thống chưa xử lý được. Vì thế trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo hệ thống này”.