Vùng bưởi Tân Triều được hình thành vào những năm sau 1869 và trải qua hơn 300 năm phát triển, nơi đây đã trở thành một trong những ngôi làng cổ xưa ở Đồng Nai với một bề dày lịch sử và văn hóa.
Làng bưởi Tân Triều nằm gọn trên một cù lao, ở đoạn sông Đồng Nai chảy qua rẻo cuối huyện Vĩnh Cửu để vào TP. Biên Hòa. Nơi đây trồng nhiều giống bưởi như bưởi đường lá cam, bưởi đường da láng, bưởi thanh, bưởi ổi, bưởi xiêm, bưởi bà Vân… "Tân Triều", nghĩa là triều đình mới, là cái tên do vua Nguyễn Ánh đặt và còn lưu đến ngày nay.
Ông đã tổ chức một triều đình tạm ở đây khi cùng tùy tùng lưu lạc trên đường tránh quân Tây Sơn vào thế kỷ 18.
Theo tài liệu nghiên cứu, vùng bưởi Tân Triều hình thành rất sớm vào những năm sau 1869, khi vùng đất này còn hoang vu, dân cư thưa thớt cách tỉnh lỵ Biên Hòa khoảng 10km. Người dân Tân Triều kể rằng: năm 1869, nhà thờ Tân Triều được xây dựng, cha xứ đã mang hai cây bưởi từ Brazil về trồng trước sân. Hàng năm, cây bưởi cho quả trĩu cành. Thấy vậy, bà con xin chiết nhánh về trồng và nhân rộng khắp vùng.
Bưởi Tân Triều. Ảnh: Toplist.
Sau trận lụt Nhâm Thìn (1952), đất Tân Triều không còn trồng trầu, người dân chuyển sang trồng bưởi. Dần dần, một thế kỷ trôi qua cây bưởi có mặt khắp vùng và trở thành đặc sản của tỉnh Đồng Nai với nhiều chủng loại khác nhau như bưởi Đường Lá Cam, bưởi Ổi, bưởi Đường Da Láng, bưởi Thanh Trà, bưởi Đường Hồng, bưởi Lựu… Trong số đó, bưởi Đường Lá Cam Tân Triều và bưởi Ổi Tân Triều là hai giống bưởi có chất lượng đặc thù nhất, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Làng bưởi Tân Triều không chỉ gợi cho người ta một chút hoài niệm về vùng đất Đồng Nai xưa, nơi có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, thưởng thức những món ăn dân dã miệt vườn mà còn cảm phục người nông dân bám trụ với đất, với nghề tạo nên thương hiệu bưởi Tân Triều hôm nay không chỉ vang bóng trong nước mà còn “xuất ngoại” sang tận Hà Lan, Đức...
Nói đến Biên Hòa, ai cũng biết rằng nơi đây có một loại quả đặc sản mang tên bưởi Tân Triều. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Bưởi Tân Triều được xem là một sản vật trong giao tiếp xã hội. Hàng năm vào dịp tết Nguyên đán hay Tết Trung thu nhiều người cố gắng tìm mua cho được cặp bưởi Tân Triều để bày mâm ngũ quả ngày tết hay làm quà biếu những vị khách quý.
Ở Tân Triều, hầu như gia đình nào cũng trồng bưởi, cây bưởi ở đây quanh năm xanh tốt, nó đã cùng với người dân Tân Triều thăng trầm theo năm tháng. Hễ bất cứ ai dù xa hay gần nếu đến vùng bưởi Tân Triều sẽ được người dân đón tiếp nồng hậu và được thưởng thức quả đặc sản này.
Nhất là trong những bữa tiệc hay ngày giỗ, ngày Tết, quả bưởi đóng một vai trò rất quan trọng. Người ta thường hay nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”, nhưng ở đây quả bưởi cũng đóng vai trò “đầu mối” quen thân. Đến Tân Triều, cùng với việc thưởng thức những múi bưởi ngọt lịm, mọng nước, người ta còn có cơ hội nếm nhiều món đặc sản được chế biến từ bưởi như: gỏi bưởi, rượu bưởi, chè bưởi…