Thời gian từ trồng đến thu hoạch chanh không hạt chỉ gói gọn trong 18 tháng. Cây cho trái quanh năm với năng suất 40-50kg/năm, giá trung bình từ 15.000-20.000 đồng/kg. Nhờ đó, loại cây này đã và đang giúp nhiều nông dân huyện Châu Thành, Hậu Giang thoát nghèo.

Lợi hơn nhiều loại cây ăn trái

Ông Bùi Sưng - Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước, ấp Phú Quới, xã Đông Thạnh, chủ vườn chanh không hạt rộng 6000m2 với 450 cây đang cho trái - cho biết: “Thời điểm này giá chanh thấp - chỉ 8.000-10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, qua tết trời sẽ nắng nóng, nhu cầu chanh tăng cao, giá sẽ là 20.000-30.000 đồng/kg, thậm chí lên tới 40.000 đồng”.

Mỗi năm, cây chanh không hạt đem lại cho gia đình ông Sưng khoảng 400.000 triệu đồng, cao hơn nhiều so với thu nhập từ lúa và một số cây ăn trái như xoài, nhãn...

Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Phước, quy trình trồng và chăm sóc chanh không hạt khá đơn giản, chủ yếu là tưới nước và bón thuốc đúng kỹ thuật. Sau khi trồng 15-18 tháng, chanh đã cho thu hoạch lứa đầu. Từ năm thứ hai, mỗi cây cho năng suất từ 40-50kg trái/năm.

Vườn chanh không hạt đang vào vụ thu hoạch tại huyện Châu Thành. Ảnh: Hồng Đức

“Chanh không hạt thích hợp với thổ nhưỡng Hậu Giang nên ra nhiều trái, vị thơm đậm đà. Hợp tác xã hiện có 84 hộ trồng chanh với 74ha, trong đó 7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 3ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sản phẩm được hợp tác xã thu mua” - ông Chiến nói và cho biết, để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, mọi thành viên hợp tác xã đều phải trải qua lớp hướng dẫn kỹ thuật chăm bón và phun thuốc do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức. Hai tiêu chuẩn này đều quy định cụ thể về phương thức canh tác, những loại thuốc được phép sử dụng trong quá trình trồng và chăm sóc chanh.

Từ đầu năm 2016, nhận thấy nhu cầu sơ chế và đóng gói chanh cho hợp tác xã ngày một cao, ông Chiến đầu tư máy phân loại. Chanh được đưa vào máy để rửa sạch, sấy khô rồi chạy qua các lỗ có kích thước khác nhau để phân loại trước khi đóng gói.

Xuất khẩu nhờ được bảo hộ

Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, việc Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “chanh không hạt Hậu Giang” cho Hợp tác xã Thạnh Phước vào năm 2013 tuy không đẩy giá lên, nhưng đã giúp sản phẩm có uy tín hơn, mở rộng thị trường.

Hiện mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp 5-7 tấn chanh cho các chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng ở TPHCM. Sản phẩm cũng đã được bán sang Trung Đông, Singapore, Thái Lan. “Những tháng thấp điểm, hợp tác xã xuất 20 tấn chanh, vào đợt cao điểm lên tới 50 tấn” - ông Chiến nói.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng Đức - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, hiện nhãn hiệu chanh không hạt Hậu Giang chưa đủ mạnh nên các siêu thị thường không cho dán tem độc quyền của hợp tác xã. Để phát triển thương hiệu, ông Đức cho rằng cần có chiến lược dài hạn từ tỉnh. Sắp tới, huyện Châu Thành sẽ tăng cường hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để đào tạo nông dân trồng chanh, nâng chất lượng và năng suất.

Ông Đức cũng cho biết, từ năm 2013 tới nay, diện tích trồng chanh không hạt ở Châu Thành hầu như không tăng, nên nhiều khi không đủ đáp ứng thị trường. Vì thế, bên cạnh việc phát triển kỹ thuật lai ghép giống và chăm sóc, huyện đang hướng tới mở rộng thêm diện tích và thị trường tiêu thụ để tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân.