Tồn dư thuốc sâu trên hoa nhãn
Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 10.000 đàn ong mật, cho khoảng 100 tấn mật mỗi năm. Hiện đã có hai cơ sở sản xuất mật ong hoa nhãn đủ điều kiện cấp nhãn hiệu chứng nhận.
Ông Trần Nguyên Tháp - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - sản Hưng Yên - cho biết: “Mật ong hoa nhãn được cấp nhãn hiệu chứng nhận phải đáp ứng nhiều tiêu chí, gồm đánh giá về cảm quan là màu ánh vàng, sau một thời gian dài vẫn đảm bảo hương vị ban đầu, không mất màu. Hàm lượng nước cũng phải đúng tiêu chuẩn”.
Mật ong hoa nhãn Hưng Yên chính hiệu được gắn logo có hình lục giác, bên trong có hình con ong và dòng chữ HungyenBee. Ảnh: Loan Lê
Sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, điều mà các cơ sở sản xuất mật ong hoa nhãn Hưng Yên lo nhất là đảm bảo đủ hoa nhãn cho đàn ong mà không bị dính thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến đàn ong và chất lượng mật.
Ông Trần Quốc Đại - Giám đốc Công ty ong Hưng Yên - nói “Ở Hưng Yên, nhãn vào mùa hoa từ tháng 3 và chỉ kéo dài 15-20 ngày. Khó nhất là tập trung đàn ong về đúng vụ hoa nhãn nở để mật đạt chất lượng cao. Yếu tố thời tiết cũng quan trọng. Đến ngày quay mật nếu trời mưa, mật sẽ loãng hơn. Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, phải giảm lượng nước trong mật xuống, dẫn đến giảm sản lượng”.
Ông Nguyễn Văn Cừ - chủ cơ sở sản xuất mật ong Mai Cừ, cơ sở có quyền sử dụng nhãn hiệu “Mật ong hoa nhãn Hưng Yên” - lo về tình trạng hoa nhãn có dư lượng thuốc trừ sâu cao bởi người trồng nhãn chỉ quan tâm đến sản lượng quả: “Trước khi vào mùa là họ phun thuốc. Thuốc lưu dẫn từ gốc cây, phân tán ra các nhánh. Nhiều khi ong bay vào, chỉ ngửi mùi thoảng qua đã chết rồi”.
“Thậm chí, một số nông dân tưởng ong phá hoại mùa màng nên cố tình bơm thuốc trừ sâu khi thấy hộ nuôi ong thả ong vào vườn nhãn, mặc dù tôi đã rất nhiều lần giải thích, thậm chí cam kết rằng ong vào vườn chẳng những không hại mùa màng mà còn giúp tăng năng suất” - ông Cừ nói.
Quản lý chặt an toàn thực phẩm và nhãn hiệu
Theo ông Nguyễn Xuân Thái - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hưng Yên, việc gắn kết nghề trồng nhãn với nghề nuôi ong đã tăng thu nhập cho người trồng nhãn rất nhiều. Còn về phía người nuôi ong, vấn đề cần giải quyết là giảm thủy phần trong mật và kéo dài thời gian bảo quản.
“Trong chương trình KH&CN, chúng tôi hỗ trợ một số doanh nghiệp công nghệ hút nước trong mật ong để kéo dài thời gian bảo quản. Xây dựng thương hiệu rất khó, nên việc đảm bảo quy trình và chất lượng rất quan trọng. Ngoài ra để đối phó với tình trạng nhái nhãn hiệu, ngoài công tác kiểm tra của cơ quan chức năng, việc giám sát giữa các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất hết sức quan trọng” - ông Thái nhấn mạnh.
Ông Trần Nguyên Tháp cho biết: “Chúng tôi đã khuyến cáo bà con, để đảm bảo chất lượng của mật, cần có quy trình chăm sóc tốt. Cây được chăm sóc tốt sẽ ra hoa đúng lứa, hoa tốt thì chất lượng mật cũng tốt, tránh được thuốc trừ sâu. Cần phun thuốc trước thời điểm nhãn nở hoa để đảm bảo thời gian cách ly, sau khi nở hoa mới tiếp tục phun”.
Để phát triển thương hiệu cho sản phẩm, ông Tháp cũng nhấn mạnh vấn đề quản lý hàng trà trộn, hàng kém chất lượng. Theo ông, những hộ đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận mật ong hoa nhãn Hưng Yên cần tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, quy chế kiểm soát chất lượng, giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - cũng đề xuất Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - sản và thủy sản quản lý chặt chẽ nhãn hiệu, tuyên truyền, phổ biến để các hộ sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận này tuân thủ quy trình sản xuất, quy chế kiểm soát chất lượng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng đã công bố và vệ sinh, an toàn thực phẩm.
“Sở KH&CN sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân áp dụng các kết quả nghiên cứu trong việc trồng nhãn và bảo quản mật ong hoa nhãn Hưng Yên” - ông Hưng nhấn mạnh.