Người trồng nho ở Ninh Thuận có nhu cầu mua cây giống thường tìm đến hai nhà cung cấp Sáu Lang và Bảy Sành - hai trang trại nhân giống nho bằng cách ghép cành trên thân nho dại, tạo ra cây nho có sức đề kháng tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao.

Hằng năm, mỗi trại đưa ra thị trường từ 500.000-1.000.000 cây nho giống và khoảng 15.000-20.000 cây nho cảnh, đem lại thu nhập 1-2 tỷ đồng.

Tăng sản lượng, giảm chi phí

Trồng nho là nghề truyền thống của bà con Ninh Thuận. Tuy nhiên, vào những năm 90 thế kỷ trước, do chưa có kỹ thuật canh tác, bà con trồng theo kinh nghiệm, trực tiếp giâm cành xuống đất nên cây dễ bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế thấp.

Ông Nguyễn Thường Lang - chủ trại nho giống Sáu Lang ở phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm - là một trong những người đầu tiên học được phương pháp ghép cành trên thân các giống nho dại như Coudere-1613, IAC-572, IAC 571 nhập từ Mỹ. Nho sau ghép có sức sống cao, bộ rễ phát triển mạnh, ít sâu bệnh, thích nghi được với đất nhiễm mặn, đất ẩm ướt hoặc khô hạn, nhờ đó giúp bà con tiết kiệm 30% nhân công, phân bón và sản lượng tăng từ 2-3 lần.

Mỗi năm, trại nho giống của ông Sáu Lang đưa ra thị trường khoảng 1 triệu cây; còn trại nho giống Bảy Sành của ông Nguyễn Văn Hòa - thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước - cung cấp khoảng 600.000 cây. Mỗi hom nho có giá từ 14.000-15.000 đồng. Trung bình mỗi trang trại thu về từ 1-2 tỷ đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, quy trình ghép không phức tạp: “Khi chuẩn bị ghép, tôi cắt hom dài từ 15-20cm từ cành nho dại, nhúng vào thuốc kích thích nảy mầm rồi cho vào bầu ủ khoảng 1 tuần là nảy mầm. Sau 1-2 tháng, khi hom ra lá đầy đủ, bộ rễ khỏe mạnh, bén đất là tôi có thể xuất bán cho các nhà vườn”.

Ông Nguyễn Văn Hòa - chủ trang trại nho giống Bảy Sành - và gốc nho do ông ghép. Ảnh: Minh Đức
Ông Nguyễn Văn Hòa - chủ trang trại nho giống Bảy Sành - và gốc nho do ông ghép.
Ảnh: Minh Đức

Sau khi hom được đưa về vườn trồng từ 2-3 tháng, các trang trại sẽ cử người tới ghép các giống nho ăn trái vào gốc nho dại. Các giống thường được bà con lựa chọn là NH 01-48, NH 01-152, Red Cardinal, Black Queen... Mỗi ngày, người thợ làm quen tay có thể ghép được 1.000 gốc nho.

Ông Võ Minh Hoan - một người dân trồng nho ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải - cho biết, tháng 2/2017 ông có đặt 660 gốc nho từ vườn Bảy Sành. “Cây nho phát triển tốt, khỏe mạnh, ít sâu bệnh. Tôi trồng nho từ tháng 2, tới tháng 11 này là thu hoạch. Ước tính 1,6 sào sẽ cho sản lượng khoảng 4 tấn” - ông Hoan nói và cho biết, bà con mua giống ở các trại nho như Bảy Sành, Sáu Lang ngoài việc được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc đối với từng loại nho trong từng giai đoạn phát triển thì còn được cán bộ kỹ thuật tư vấn tận vườn khi nho có bệnh.

Chủ trại nho giống Bảy Sành lý giải: “Cây nho có đặc tính phát triển khác với ổi, quýt... nên nếu mang các kinh nghiệm ghép cành với các loài cây đó áp dụng vào nho là trật lất hết. Để bà con tiếp tục giữ được nghề trồng nho, tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cho từng hộ mua cây giống”.


Giấc mơ nâng tầm cây nho Việt

Không chỉ cung cấp trong nước, nho giống Ninh Thuận còn được xuất sang Lào, Campuchia. Ông Nguyễn Thường Lang cho biết, mỗi năm vườn ông xuất khẩu từ 200.000-300.000 cây giống sang các thị trường này. Mỗi tháng, ông phải xuất ngoại một lần để chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật cho khách hàng.

Ngoài cây giống, các trại nho Ninh Thuận thường cung cấp thêm nho cảnh - trong đó có nho bonsai - phục vụ nhu cầu chơi tết. Thời điểm này, các trại giống đã bắt tay vào làm nho cảnh cho vụ Tết Nguyên đán - 2018. Dịp tết năm ngoái, trại giống Bảy Sành đưa ra thị trường khoảng 15.000 chậu nho cảnh và bắt đầu nhận được đặt hàng từ các địa phương khác trong nước cũng như từ nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, kỹ thuật chăm sóc nho cảnh khá phức tạp, cần đầu tư nhiều công phu. “Làm nho cảnh khó nhất là thúc cây ra được trái. Muốn cây có từ 2-3kg trái, phải tính toán dinh dưỡng từ khi bắt đầu trồng”. Còn ông Nguyễn Thường Lang chia sẻ kinh nghiệm: Nên chọn gốc nho từ 7-8 tuổi rồi mang về trồng lai ghép khoảng 1 năm là vừa.

Miệt mài nghiên cứu về cây nho, những người nông dân như ông Sáu Lang, ông Hoà vẫn đang nuôi giấc mơ “nâng tầm cây nho Việt” - vốn chưa thể so sánh với nho ngoại về cả chất lượng và mẫu mã. Ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng, hiện người nông dân Việt Nam chưa hiểu về cây nho nên chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, khiến trái chưa ngon. Ông đang kết hợp với một số nhà khoa học nghiên cứu quy trình trồng để cải thiện điều này.

“Tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho bà con ở bất cứ đâu để mở rộng diện tích và phát triển hơn nữa cây nho trên cả nước” - chủ trại nho giống Bảy Sành nói.

Còn ông Sáu Lang hồ hởi khoe, ông vừa sáng chế ra máy ghép mắt nho, chỉ cần đưa hom và cành vào là ghép được, năng suất cao gấp 10 lần so với làm thủ công. “Tôi luôn cố gắng để cây nho Ninh Thuận nổi tiếng hơn nữa, phát triển rộng hơn nữa bằng mọi cách” - ông Sáu Lang tâm sự.