UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, Sở NN&PT nông thôn, Sở KH&ĐT triển khai Thông báo số 220 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng tại hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam nhằm tăng cường bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Thế mạnh từ những cây thuốc quýQua nhiều năm nghiên cứu, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khuyến khích Ladophar và các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy mạnh việc phát triển các cây dược liệu đặc thù, thế mạnh của địa phương nhưng chưa được khai thác thành sản phẩm trên thị trường như: Cây Thất diệp nhất chi hoa (Bảy lá một hoa) là một vị thuốc đặc biệt quý hiếm, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, hỗ trợ điều trị một số bệnh như ung thư, tiểu đường…
Cây Trà hoa vàng (còn gọi là Hoàng trà) có các hợp chất có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của khối u đến 33,8% trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% đã có thể xem là thành công trong điều trị ung thư, giúp giảm 35% hàm lượng Cholesterol trong máu trong khi dùng các loại thuốc khác thì mức độ giảm chỉ là 33,2%; một số công trình nghiên cứu cho thấy Trà hoa vàng giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp, hạ đường huyết, chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu… TS Phạm S tiết lộ, chính vì cây Trà hoa vàng có giá trị kinh tế cao và giá trị quý hiếm với công dụng chữa nhiều bệnh hiểm nghèo phổ biến nhiều người mắc hiện nay cho nên Trung Quốc rất muốn lấy nguồn gen cây thuốc quý này.
Ảnh minh họa.
Cũng theo TS Phạm S cho biết, qua nghiên
cứu cho thấy Đà Lạt - Lâm Đồng còn có các cây thuốc quý có lợi thế cạnh
tranh như: Cây Thạch tùng răng cưa là vị thuốc quý vốn được sử dụng để
điều trị các tổn thương do chấn thương và viêm trong y học cổ truyền
Việt Nam, có tác dụng tốt đối với bệnh nhân suy giảm trí nhớ và bệnh
nhân Alzhermer, cây này ngày càng quý hiếm chỉ mọc ở vùng rừng Bidoup –
Núi Bà; cây Lan thạch hộc tía có nhiều tác dụng chữa bệnh, đặc biệt bổ
máu; cây Thiên phúc có công dụng chữa đến 12 loại bệnh: cúm, gút, tim
mạch, tiểu đường, khớp, huyết áp cao…
“Những
cây thuốc quý này nếu chúng ta đầu tư nghiên cứu, khai thác tốt sẽ cung
cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu có giá trị lớn vì đây là sản
phẩm dược liệu lợi thế chỉ có ở Lâm Đồng” – TS Phạm S nhấn mạnh.
Đánh thức tiềm năng dược liệu địa phươngLâm Đồng nằm ở Nam Tây Nguyên, diện tích tự nhiên chiếm 976.478ha, trong đó có trên 212.000 ha đất đỏ bazan và phân bố chủ yếu ở độ cao từ hơn 800 m – 1.600 m so với mực nước biển; nhiệt độ vùng này biến thiên từ 180C – 21,5 độ C, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.800 – 2.600 mm là điều kiện thích hợp phát triển đa dạng cây trồng như rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, trong đó cây dược liệu là cây phù hợp cho phát triển tại Lâm Đồng cả về quy mô và chất lượng. Theo thống kê toàn tỉnh có trên 300 ha cây dược liệu, chủ yếu là Actisô, Diệp hạ châu, Đảng sâm, Đương quy…
Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới, trong đó có Đà Lạt – Lâm Đồng phát triển trồng 12 loài dược liệu, bao gồm 5 loài bản địa: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn, Ý dĩ và 7 loài nhập nội: Actisô, Bạch truật, Bạch chỉ, Dương cam cúc, Đỗ trọng, Đương quy, Huyền sâm với diện tích trồng khoảng 3.150 ha. Ưu tiên phát triển các loài: Bạch Truật, Đỗ trọng và Actisô.
Theo quy hoạch hiện nay Lâm Đồng chỉ có cây Actiso, tuy nhiên thực tế Lâm Đồng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển sản xuất nuôi trồng nhiều loại cây dược liệu khác.Trong đó, cây Actisô là cây dược liệu đặc sản được nhiều công ty sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ra các loại thuốc, trà, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có giá trị trong chữa bệnh, thực phẩm và có giá trị xuất khẩu với một số sản phẩm chiến lược như cao khô Actisô, trà túi lọc Actisô đến một số quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp, nổi bật là Ladophar đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng nhà máy đông dược đạt chuẩn GMP-WHO để sản xuất cao khô Actisô nguyên liệu và mở rộng phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn GACP -WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc).
Các cây dược liệu tại Lâm Đồng hầu hết là cây mọc trong tự nhiên, một số cây dược liệu được đưa vào trồng, sản xuất với quy mô lớn, mang tính chất hàng hóa như sau: Cây Actisô hiện toàn tỉnh ước khoảng 130 ha, được trồng chủ yếu ở Đà Lạt, Lạc Dương, để phục vụ sản xuất cao khô, cao mềm là nguyên liệu dùng sản xuất thuốc với 10 sản phẩm thuốc dược liệu đã được cấp phép lưu hành trên toàn quốc của Ladophar, chế biến các loại trà và một phần cây tươi, hoa tươi dùng để làm thực phẩm.
Về giống đã có một số giống nhập nội, tỉ lệ giống mới rất ít, khoảng 20% chủ yếu phục vụ cho ăn tươi, nhiều giống đã nghiên cứu cho chất lượng bông rất tốt được nông dân sử dụng nhiều hơn giống cho chất lượng lá cao, trong khi mục tiêu làm dược liệu trồng Actisô lấy lá là chính.
Cây Diệp hạ châu được trồng ở huyện Cát Tiên với diện tích khoảng 20 ha, năm 2016 cây Diệp hạ châu được trồng tại Cát Tiên đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Quyết định số 20321/QĐ-SHTT ngày 13/4/2016. Các cây thuốc như: Đảng sâm, Đương quy, Cỏ ngọt, Phúc bồn tử, Bồ công anh, Sâm Ngọc Linh, Thông đỏ, nấm Linh Chi đỏ, nấm Đông trùng Hạ thảo đã được nhân giống và trồng với quy mô vừa và nhỏ ở một số địa phương như Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng… với mục đích thương mại và nghiên cứu, nhưng sản lượng không nhiều, sản phẩm sau chế biến chỉ có một số loại như trà, dược liệu khô, dược liệu tươi đáp ứng phần nào nhu cầu người tiêu dùng trong nước và một phần nhỏ xuất khẩu.
Ngoài ra, Lâm Đồng còn có một số loại cây khác như: Cúc hoa, Đinh lăng, Chè dây, Sa nhân, Lan gấm, Chè vàng, Tỏi cô đơn, Hoàng liên ô rô, Huyết đằng lông, Canh ki na… được trồng với diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình hoặc công tác nghiên cứu, thử nghiệm.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại, xác định đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 350 ha cây dược liệu và đến năm 2025 có khoảng 500 ha cây dược liệu và cây đặc sản. Tiếp tục phát triển một số cây dược liệu đặc hữu của địa phương như: Actiso, Cỏ ngọt, Diệp hạ châu, Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Sâm Langbiang…
Đồng thời, phát triển các loại cây đặc sản có giá trị cao, có lợi thế cạnh tranh như: Chanh dây, chuối La Ba, Đông trùng hạ thảo,… Đặc biệt, phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại khu vực huyện Lạc Dương và các địa phương khác trên cơ sở phát triển những giống cây dược liệu đặc hữu có giá trị kinh tế cao.
Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng vào cuộc
Lâm Đồng là một trong 15 tỉnh, thành phố được Chính phủ đánh giá là địa bàn trọng điểm về dược liệu. Vì vậy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân về việc sử dụng dược liệu, thuốc, sản phẩm từ dược liệu, y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh; vận động người dân khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu. Đặc biệt là phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu tỉnh việc bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dược liệu sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tỉnh còn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu đề xuất tỉnh về quy hoạch các vùng bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên; quy hoạch vùng sản xuất và phát triển thương hiệu một số sản phẩm hiện đang được sản xuất với diện tích lớn.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động nghiên cứu chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để sản xuất nguyên liệu dược liệu làm thuốc.