"Tạo điều kiện và hỗ trợ cho các mô hình trồng trọt có hiệu quả cao, từ đó tăng thu nhập, ổn định và phát triển đời sống người dân”. Đó là phát biểu của ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình sau khi đi kiểm tra thực tế mô hình trồng trọt tại huyện Bố Trạch.
Cây dược liệu, hướng đi mới
Anh Võ Văn Hùng ở thôn Sen Bàng, xã Hòa Trạch là chủ mô hình trồng và phát triển cây dược liệu. Ban đầu anh Hùng tìm hiểu qua đài báo và những thông tin về các loài cây dược liệu quý để trồng thử nghiệm. Sau đó, thấy có thể phát triển được nên anh đã cho mở rộng trồng xen dưới tán cây cao su với diện tích gần 1,5ha.
|
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thăm mô hình phát triển cây dược liệu |
Dược liệu anhđưa về trồng là những cây thuốc dân gian có ở vùng đất Quảng Bình gồm lá vằng, kim tiền thảo, cà gai leo… Qua thời gian dài, người dân khai thác cạn kiệt, các loài cây này không còn nhiều. Qua 2 năm thử nghiệm,cây dược liệucho thu nhập khá cao.
Theo anh Hùng, cây kim tiền thảo sau 2 năm trồng là cho thu hoạch. Người lao động bứt về phần thân ngọn (cao khoảng 0,5m) sau khi băm nhỏ, phơi khô trong bóng râm để đảm bảo chất lượng, bán cho thương lái với giá 50 ngàn đồng/kg nhưng không có đủ để cung ứng.
Ngoài ra, các loại cây khác như cà gai leo, cây vằng cũng đã cho thu hoạch và sản phẩm cũng không đủ bán. Riêng nhóm cây ba kích, đinh lăng đang trong giai đoạn phát triển, chưa đủ thời gian để thu hoạch. Trên diện tích đất trồng xen, các loại cây này phát triển rất tốt.
Vác cuốc đến bên dãy cây ba kích trồng cho leo choái (tương tự kiểu trồng cây đậu cô ve, dưa chuột), anh Hùng đào một bụi lên kiểm tra. Dưới lớp đấy chừng gang tay người lớn, cây ba kích cho rễ củ dài bằng đầu đũa. “Cây này trồngđã banăm. Rễ củ như vậy là dùng tốt. Nhưng tôi để thêm 4 hoặc 5 năm xem sự phát triển thế nào đã rồi lên kế hoạch trồng, thu hoạch cho phù hợp”, anh Hùng nói.
Cũng theo anh Hùng, mô hình trong giai đoạn thử nghiệm nên chưa tính toán kỹ về kinh tế. Tuy nhiên, nguồn thu từ bán cây dược liệu cũng đủ trang trải cho khoảng 3 lao động và bù vào được chi phí ban đầu.
|
Sơ chế cây dược liệu tại mô hình của anh Võ Văn Hùng |
“Gia đình đã có kế hoạch tăng diện tích cây dược liệu lên khoảng vài ha. Quy hoạch lại theo từng vùng khác nhau. Cây nào ưa chịu bóng râm thì đưa vào xen dưới tán cao su. Loại nào phù hợp nắng thì đưa ra vùng trống. Sau đó sẽ lên mạng để chào bán sản phẩm”, anh Hùng nói thêm về kế hoạch tới.
Gấp rút có thương hiệu tiêu Phú Quý
Vùng đất Phú Quý (bây giờ là thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) vốn nổi tiếng trồng tiêu từ thời Pháp thuộc. Tiêu ở đây được biết đến bởi hạt đều, to vị thơm cay, bồng đặc trưng cho vùng đất bazan.
Trang trại của ông Nguyễn Văn Diệm (đội Hữu Nghị, thị trấn nông trường Việt Trung) trồng hơn 11ha. Trước đây, phần lớn diện tích của ông trồng cao su. Qua hai lần bão lớn của mấy năm trước, toàn bộ rừng cao su bị gãy đổ, thiệt hại gần hết. Cách đây 2 năm, ông dồn sức lực phát triển trồng tiêu theo mô hình tiên tiến. Trụ cây tiêu bán, ông cho ươm cây mít. Khi mít lên khoảng 2m là bắt đầu trồng tiêu và cây tiêu bám vào trụ mít, lớn dần lên cùng mít. Gần 5ha tiêu ông áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. “Vừa tiết kiệm nước, tiền điện và cũng đỡ công lao động rất nhiều”, ông Diệm nói.
Theo ông Diệm, cây tiêu không khó trồng. Tính về kinh tế cũng là cây ổn định. Giá tiêu có những năm lên 220 ngàn đồng/kg. Năm nay bà con nói giá giảm còn 85 ngàn đồng/kg.
|
Mô hình tiêu sạch áp dụng công nghệ tưới Israel của ông Nguyễn Văn Diệm |
“Với giá đó, nhiều bà con kêu lỗ nặng nhưng tui không tin. Theo kinh nghiệm của nhiều nhà trồng tiêu diện tích lớn, nếu ở giá 50 ngàn dồng/kg là cầm ngang vốn đầu tư. Vượt lên giá đó là coi như có lãi rồi. Cho nên, trồng tiêu không lỗ đâu. Chỉ có lãi nhiều hay lãi ít tùy vào cách chăm sóc, thu hoạch của từng người”, ông Diệm bộc bạch.
Hiện diện tích tiêu của Phú Quý có trên 500ha, trong đó có gần 300ha đã cho thu hoạch. Mỗi năm thu về gần 200 tỷ đồng. Tiềm năng đất đai ở đây còn nhiều. Nếu có quy hoạch tốt thì diện tích có thể lên đến con số vài ngàn ha.
Theo ông Diệm, hiện nhiều gia đình có trong tay khoảng vài ha đất trồng cao su nhưng bị gãy đổ do bão nên đang trồng dưa hoặc sắn. Nếu có vốn, bà con sẽ tập trung phát triển cây tiêu. “Nếu gặp mưa bão, cây tiêu cũng ít bị tổn hại hơn so với cây cao su, keo hay các loại cây khác”, ông Diệm giải thích thêm.