Nhiều hộ dân ở thành phố Đà Lạt đang thực hiện mô hình nuôi nấm bào ngư xám, cho thu nhập vài chục triệu đồng/tháng.

Theo chia sẻ của người nuôi nấm bào ngư xám có kinh nghiệm là ông Phạm Văn Hợi, được báo Lâm Đồng dẫn lời, thì với 40m2 nhà nuôi nấm bào ngư xám, người nông dân phải bỏ ra khoảng 30 triệu đồng xây dựng cùng với 16 triệu đồng tiền phôi giống cộng với các phần việc phát sinh khác thành tổng vốn đầu tư khoảng 50 triệu đồng.

Sau 15 ngày chăm sóc bắt đầu thu hoạch nấm cho đến 6 tháng sau mới treo lại lứa nấm sản xuất tiếp theo. Trung bình một ngày thu 20 kg nấm thương phẩm, bán ra giá mỗi ký 30.000 đồng, đạt doanh thu 600.000 đồng. Trừ tất cả mọi chi phí, mỗi tháng một nhà nấm này đạt lãi ròng 10 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Hợi bên bịch nấm bào ngư. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Ông Phạm Văn Hợi bên bịch nấm bào ngư. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Kỹ thuật nuôi nấm bào ngư xám như sau: mật độ trồng phù hợp là 4.000 bịch phôi /40 m² nhà nấm. Nền nhà đổ lên một lớp cát dày 10 cm để giữ ẩm và tỏa hơi nước hàng ngày nuôi dưỡng phôi nấm. Tường vách tôn cao 3 m, mái cũng lợp tôn, nhưng dành lại chiều cao 1 m bao lưới đen nhằm giảm bớt năng lượng mặt trời và tạo thoáng gió. Từng bịch phôi nấm cột treo bằng dây ni lông, cách mặt nền cát từ 30 – 40 cm.

Khi tưới nước cho nấm không tưới thẳng lên bịch phôi mà phun xịt tạo mưa nhẹ rơi từ trên xuống, tưới ướt các vách, nóc và nền nhà để tạo độ ẩm không khí cần thiết cho nhà trồng nấm.

Đến giai đoạn thu hái nấm bào ngư : chỉ thu hái khi nấm ở giai đoạn trưởng thành, đó là lúc tai nấm chuyển từ dạng phễu lệch sang dạng lá lục bình (mũ nấm mỏng lại và căng rộng ra, mép hơi quằn xuống – nếu mép cong lên là nấm già) để hạn chế hư hỏng và dễ bảo quản.

Lưu ý là cần làm vệ sinh sạch sẽ gốc nấm còn sót lại trong bịch nấm. Nấm hái xong, nên cắt gốc cho sạch và cho vào túi nylon có đục nhiều lỗ nhỏ (thông khí, tế bào nấm không bị ngộp chết). Thu hoạch đợt 1 ở cổ bịch xong (chừng 4 – 5 ngày) ta ngưng tưới trong khoảng 2 ngày để tơ nấm phục hồi. Nếu thấy bịch đã xốp nhẹ thì có thể dồn nén bịch lại.