Tỉnh Gia Lai đang lên kế hoạch xây dựng 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh với tổng diện tích gần 240 ha.

gia-lai-xay-dung-5-khu-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao

Ảnh minh họa

Tỉnh Gia Lai đang lên kế hoạch xây dựng 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh với tổng diện tích gần 240ha tại địa bàn các huyện Đak Đoa (84 ha), thị xã An Khê (95 ha), thị xã Ayun Pa (15 ha), huyện Chư Sê (20 ha) và thành phố Pleiku (20 ha).

Dự kiến, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều đưa vào phát triển các loại cây trồng chủ lực có thế mạnh của tỉnh như mía, lúa nước 2 vụ, hồ tiêu… để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa với năng suất và chất lượng tốt.

Từ khâu chọn giống cho đến các biện pháp thâm canh khác như thực hiện cơ giới hóa, bón phân… kể cả trong công tác bảo quản, chế biến sản phẩm đều được ứng dụng đồng bộ theo tiêu chí công nghệ cao.

Đặc biệt, trong khâu sử dụng phân bón cho các loại cây trồng đều ứng dụng công nghệ vi sinh, chế phẩm vi sinh và công nghệ sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng.

Để thực hiện có kết quả 5 khu nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Gia Lai đã xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực để triển khai thực hiện, đó là giải pháp về quy hoạch đất đai, khoa học công nghệ, cơ chế chính sách – nguồn vốn, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Đặc biệt, tỉnh cũng đã chú trọng đến giải pháp phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp như khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các cửa hàng cung ứng, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia các hội chợ, triển lãm về nông nghiệp ở trong và ngoài nước.

Đồng thời, tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh trong khu vực trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hoá có thế mạnh của tỉnh, nhất là sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo ông Trương Phước Anh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, 5 khu nông nghiệp công nghệ cao được phát triển trong giai đoạn 2016 – 2020 được coi là những mô hình để từng bước triển khai ra diện rộng. Tỉnh phấn đấu trong giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 “nâng cấp” các khu nông nghiệp này lên thành khu nông nghiệp cấp quốc gia; đồng thời mở rộng hàng chục vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các loại cây trồng có thế mạnh của tỉnh với quy mô lớn, dự kiến mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng và phát triển 1 vùng (riêng huyện Đak Đoa, Chư Prông và Krông Pa xây dựng và phát triển 2 vùng).