Tuy nhiên, để bắt nòng nọc, họ phải băng rừng, vượt suối, đi xa và bằng kỹ năng riêng của mình.
Băng rừng tìm nòng nọc
Trung tuần tháng 6, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xuất hiện, ở những vũng nước đọng lại, hay dọc theo các con suối giữa núi rừng Tây Nguyên, là lúc hàng ngàn con nòng nọc sinh sôi. Thời điểm này, người dân bản địa lại có buổi tấp nập đi bắt nòng nọc về chế biến thành những món ăn đặc sản mang hương vị núi rừng. Để biết được cách họ tìm bắt loài này, anh Cill K’ Sét (người dân tộc Chill, ngụ huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) làm cầu nối cho chúng tôi tiếp cận với một nhóm chuẩn bị đi săn nòng nọc và bắt đầu hành trình khám phá.
Theo nhóm này, nòng nọc, ấu trùng của ếch, nhái, cóc là món đặc sản, muốn mua cũng không bán, chỉ khách quý mới được họ thiết đãi. Riêng người Chill, K’Ho hoặc Mạ... tại Lâm Đồng, họ thường rất thích món ăn chế biến từ nòng nọc. Theo đó, sau khi bắt con nòng nọc từ suối, ao, ruộng, vũng lầy... họ đem về nhà rồi mổ bụng, cho vào ít muối chà rửa sạch sẽ để ráo nước rồi chế biến thành nhiều món khác nhau như nấu canh với rau rừng... tùy theo khẩu vị của người chế biến. “Món nòng nọc đã có từ thời cha ông, nó rất bổ dưỡng, thơm ngon... người dân chúng tôi từ trẻ đến già ai cũng thích ăn món này. Tuy nhiên để bắt nòng nọc phải chịu khó băng rừng, vượt suối tìm đến các khu rừng già, nơi có nòng nọc siêu sạch”- anh Chill K’ Vũ nói.
Nòng nọc có ở nhiều nơi, dưới ao, đồng ruộng, dọc theo các con suối nhỏ hoặc vũng nước bất kỳ và có nhiều kích thước, con lớn to bằng cả ngón tay. Đa số người Chill nơi đây tìm bắt nòng nọc loài lớn và đi vào rừng già. Dụng cụ để bắt nòng nọc khá đơn giản, theo đó, nhóm chỉ cầm theo một cái cuốc, 2 chiếc xà gạc, một cái nơ để bắt nòng nọc và đồ đựng. Từ sáng sớm, nhóm săn tìm nòng nọc gồm 5 người chở chúng tôi trên chiếc xe máy (loại xe đã được độ để chạy đường dốc, đường lầy, có bọc xích để chạy băng rừng).
Từ buôn làng, chúng tôi chạy thẳng đường quốc lộ chính và rẽ theo đừng mòn hướng thẳng về cánh rừng thông bạt ngàn. Anh Cill K’ Sét cho biết, chuyến đi lần này, nhóm tìm đến một cánh rừng nguyên sinh, chưa có sự tác động của con người. Rừng già có nhiều cây cao to, quý hiếm có trên hàng trăm năm tuổi. Khoảng 30 phút chạy xe máy vượt đường có nhiều đoạn dốc đá, đoạn lầy lội. Nhóm tìm bắt nòng nọc ra dấu tấp xe vào bìa rừng, rồi bắt đầu đi bộ vào sâu trong rừng nguyên sinh. Con đường vào rừng khá khó khăn, vì ít người tìm đến nên buộc phải "khai thông đường” qua những bụi cây, gai nhọn...
Đến trung tâm rừng, tại vị trí có một con suối nhỏ, quanh năm nước chảy đều và trong veo. Lúc này, trời giáp trưa. Tại đây, nhóm cho biết, cứ vào mùa mưa, dọc theo con suối có nhiều vũng nước đọng lại sẽ có nòng nọc và nhiều con ếch, cá đủ loại...
Anh Cill K’ Vũ cho biết, tại vị trí nước êm, có thể bắt được nòng nọc suối, to bằng ngón tay trỏ, đây là loài khó kiếm nhất. Chuyến săn lần này, nhóm chọn hướng đi tìm nòng nọc ở các vũng nước tích động giữa rừng. Bắt đầu, xẻ rừng, nhóm chia thành rất nhiều hướng. Đang mải mê nghe kể về nhiều lần đi tìm nòng nọc thì một người trong nhóm ra hiệu đã phát hiện vũng nước có nòng nọc.
Tại vị trí này, chúng tôi thấy hàng ngàn con nòng nọc đang bơi qua lại và hầu như là loài nòng nọc nhỏ, chúng có màu đen sẫm, không tay chân chỉ có một cái đuôi dùng để bơi như cá... Nhóm người Chill cho biết, việc nhận biết vũng nước có nòng nọc rất dễ, chỉ cần đến gần và quan sát dưới nước là phát hiện chúng. Quan trọng là việc xác định khu rừng ít người đi bắt và nhiều vũng nước đọng.
|
Người dân dùng nơ tìm bắt nòng nọc khắp khe suối. Ảnh: K.L
|
Bắt nòng nọc cũng cần kỹ năng
Để bắt được nòng nọc đòi hỏi phải có kỹ năng, nếu dùng nơ xúc nòng nọc tại vũng nước thì không thể bắt được hết vì dễ làm nước đục và nòng nọc lập tức sẽ ẩn mình dưới bùn nước. Từ kinh nghiệm, người Chill hay dùng cuốc đào rãnh nước để nước chảy và dùng nơ hứng sẵn cho nòng nọc bơi theo dòng chạy và nằm gọn trong nơ. Lúc này, họ chỉ cần dùng tay bắt chúng rồi bỏ vào đồ đựng. Tại vũng nước này, nhóm bắt được khoảng một tô lớn đựng nòng nọc loài nhỏ.
Tiếp tục chuyến đi, chúng tôi lại phát hiện một vũng nước khác cách đó vài chục mét, tại đây cũng có nhiều nòng nọc. Sau khi bắt hết chúng, nhóm nhận thấy, thời điểm này, chủ yếu toàn nòng nọc nhỏ. “Để bắt nòng nọc lớn, cả nhóm phải chuyển sang tìm bắt nòng nọc dưới suối bằng cách cầm theo cái nơ để xúc nòng nọc, xúc theo hướng xuôi theo dòng chảy. Những người có kinh nghiệm cho biết, họ khó xác định được vị trí có nòng nọc loài lớn ở dưới suối, nhưng có thể đoán được vị trí có thể có loài này và hầu như nó xuất hiện ở điểm nước có bùn lầy, bụi rậm... Và đặc biệt, việc xúc nòng nọc xuôi theo dòng chảy là để khuấy động cho nước đục ngầu, lúc này, cá, tôm, cua và cả nòng nọc sẽ chui từ khe đá, bụi rậm ra...” anh Chill K’ Sét truyền đạt kinh nghiệm.
Bằng kỹ năng của mình, nhóm bắt đầu xúc khắp nơi, ở các khe đá, bụi rậm dưới nước... những lần dùng nơ xúc là bắt được khá nhiều nòng nọc và cá, tôm, cua... Ghi nhận, những loài sinh vật nào ở dưới suối mà ăn được, nhóm đều bắt về. Sau hơn 1 giờ đồng hồ tìm bắt nòng nọc, lúc này trời đã về chiều nên nhóm quay về. Thành quả của chuyến đi là khoảng 1,5kg nòng nọc các loài, ngoài ra còn bắt được nhiều cá, tôm, cua, ếch... số lượng này coi như là khá nhiều.
Những món ăn từ nòng nọc
Về tới nhà, cả nhóm ai cũng mệt, họ tập trung lại một chỗ rồi chia nhau số nòng nọc bắt được. Nhìn cách họ chia nhau thành quả, ở đây không có sự hơn thua. Người Chill cho biết, nòng nọc, ấu trùng của ếch, nhái, cóc là món đặc sản, muốn mua cũng không bán, chỉ khách quý mới được họ thiết đãi. Món ăn từ con nòng nọc mà nhiều người dân bản địa tại Lâm Đồng thích ăn nhất là nòng nọc ướp với sả, ớt rồi xào, nướng… món này rất ngọt, giòn, béo và thơm ngậy và với đa số người dân bản địa ở vùng cao, các món ăn từ thịt gà, vịt, cá biển, thịt heo, thịt bò, thịt trâu... đều không ngon bằng nòng nọc...
Già làng Điểu K’ Mốt (thôn 3, xã Phước Cát 2, Cát Tiên, Lâm Đồng) đã có trên 70 mùa rẫy tự hào khi nhắc đến món này: “Đối với già, món nòng nọc quen thuộc từ nhỏ, thậm chí không nhớ nổi đã ăn nó từ bao giờ. Món ăn này rất bổ và không bị ngộ độc. Nó là món "siêu" sạch vì nòng nọc ở vùng cao không lo bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc kích thích tăng trưởng”. Được biết, ngoài món nòng nọc, các món ăn như cà đắng da trâu, đọt mây rừng, lá bép (nhíp), các món ăn từ con muối... là những món ăn đặc sản mà người dân Tây Nguyên thích thú. Một số món ăn đã được các quán nhậu, nhà hàng... chế biến để phục vụ du khách và có giá thành rất cao.
Có hay không việc ngộ độc từ món nòng nọc?
Nòng nọc là động vật lưỡng cư khi còn nhỏ thường sống dưới nước, tuy nhiên có một số nòng nọc sống trên cạn. Nòng nọc thở bằng mang. Nó không tay chân cho đến khi trưởng thành và thường có vi trên lưng và một cái đuôi dùng để bơi như cá. Nòng nọc được người dân ở vùng cao tìm bắt để chế biến thành nhiều món ăn... Nhiều già làng tại Lâm Đồng khẳng định, món ăn này rất bổ dưỡng và không có nguy cơ ngộ độc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại sẽ bị ngộ độc nếu ăn nhiều hoặc trường hợp ăn phải con nòng nọc có độc...