Để góp phần nâng cao hiệu quả trồng tiêu trên nền đất thấp và xây dựng nhãn hiệu tập thể; nâng cao thương hiệu, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương và nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nhân dân là nhiệm vụ được đặt ra.



Vì thế, việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả trồng tiêu trên nền đất thấp và xây dựng nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong việc đưa ra quy trình trồng tiêu trên nền đất thấp đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và quy trình trồng tiêu dưới tán tràm gắn với du lịch sinh thái góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường cho người dân trồng tiêu vùng Tây Sông Hậu và U Minh Thượng.

Vừa qua, Sở KH&CN Kiên Giang đã tổ chức đoàn kiểm tra tiến độ, tình hình triển khai thực hiện đề tài nêu trên. Tại buổi làm việc Nhóm nghiên cứu đã thông qua báo cáo tiến độ tình hình thực hiện và Đoàn kiểm tra đã kiểm tra một số sản phẩm hình thành của đề tài, kết quả đề tài đã thực hiện được một số nội dung công việc như sau: (i) Đã tiến hành thu thập số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng nghiên cứu để đánh giá về tài nguyên đất đai, lịch sử và hiện trạng canh tác cũng như những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất cây tiêu của nông dân điều tra, khảo sát thu thập thông tin về hiện trạng phân bố dân địa phương; (ii) Đã khảo sát và phân tích các chỉ tiêu vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; (iii) Bố trí thí nghiệm đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển, năng suất và tình hình dịch hại của 03 giống tiêu (Tiêu Hà Tiên; Tiêu Phú Quốc; và giống Lada belangtoeng) trồng trên nền đất thấp tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Nhóm nghiên cứu đang theo dõi các chỉ tiêu nông học, hiện tại tiêu đang phát triển tốt; (iv) Bố trí thí nghiệm về ảnh hưởng của phân vô cơ và hữu cơ đến quá trình cải thiện sinh trưởng, năng suất và dịch bệnh hại tiêu trên nền đất thấp tại xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Nhóm nghiên cứu đã bón phân 2 đợt, đang theo dõi sinh trưởng và dịch bệnh của tiêu; (v) Đã thực hiện mô hình trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 8 ha tại 2 huyện Giồng Riềng và Gò Quao.

Đoàn kiểm tra ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của Nhóm nghiên cứu trong việc thực hiện các nội dung của đề tài theo đúng tiến độ đề ra, qua đánh giá sơ bộ, kết quả bước đầu cho thấy có hiệu quả ở nghiệm thức bón kết hợp phân vô cơ và phân hữu cơ vi sinh và bổ sung vi khuẩn Pseudomonas putida trong việc cải thiện hàm lượng đạm hữu dụng và lân hữu dụng trong đất có ý nghĩa, giúp cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, giảm tỷ lệ bệnh chết nhanh và gia tăng năng suất. Đề nghị Nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện các nội dung công việc tiếp theo đảm bảo chất lượng, khối lượng và tiến độ theo quy định.