Sản phẩm giày dép thời trang với những đôi guốc mộc được chạm khắc tinh xảo và độc đáo đã đạt giải Nhất tại hai cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 và cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên năm 2018 được tổ chức tại Huế vừa qua.


Đây là dự án khởi nghiệp “Ứng dụng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cho ngành sản xuất giày dép thời trang” của tác giả Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ XƯA đã thuyết phục Ban giám khảo bởi ý tưởng mới lạ và sáng tạo, sản phẩm đã được thương mại hóa trên thị trường.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh đạt hai giải Nhất tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 và Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên năm 2018.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh đạt hai giải Nhất tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 và Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên năm 2018.


Lợi thế từ nghề thủ công

Thừa Thiên Huế là vùng đất nổi tiếng với nhiều làng nghề và ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế hiện nay có chất lượng không đồng đều, đa phần sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng phục vụ thiếu tính chuyên nghiệp dẫn đến lãng phí tiềm năng của địa phương và có nguy cơ mai một nếu không có khả năng tạo ra sản phẩm mới. Do đó, Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ XƯA mong muốn duy trì và phát triển ngành nghề thủ công địa phương bằng cách tìm những đầu ra mới bằng những sản phẩm thích ứng với thị trường hiện tại.

“Việt Nam có lợi thế so với các nước khác là các nghệ nhân rất khéo léo khi làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giá nhân công rẻ, người thợ giỏi sẵn đóng giày nên không phải đào tạo nhiều, đây chính là cơ hội lớn dành cho những sản phẩm của chúng tôi sau này”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ XƯA Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh chia sẻ.
Lấy ý tưởng từ một đôi guốc mộc - vốn là một sản phẩm không thể thiếu của người Việt, in dấu ấn bền bỉ suốt hàng ngàn năm trong hành trang văn hóa dân tộc. Rồi sau đó cách tân những mảnh gỗ xoan, gỗ mít, gỗ thông,… tưởng như xù xì, thô ráp, nhưng qua bàn tay đẽo gọt của người thợ đã trở nên nhẵn và bóng bẩy. Phải vô cùng cẩn trọng và cầu kì trong từng công đoạn (đục và khắc chi tiết hoa văn đế giày...) thì người thợ mới có thể tạo ra một cặp gót hoàn chỉnh. Sau đó chuyển sang người thợ đóng giày hoàn thành những khâu cuối cùng cho một sản phẩm hoàn thiện như may phần thân đôi giày, lên form dáng, ghép phần đế và phần thân... Để làm được điều này yêu cầu các người thợ phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tất cả các khâu, vì thế những người thợ của XƯA phải luôn tỉ mỉ từng chi tiết từ thiết kế, khuôn, chọn da, chọn kiểu dáng gót đi… Đó là thành quả của một quá trình hợp tác lâu dài giữa nhà thiết kế và người thợ, song song là đội ngũ marketing.

“Chúng tôi phải hợp tác bốn ngành nghề khác nhau: Điêu khắc gỗ, sản xuất giày, kỹ thuật sơn mài và trồng cây. Nghề điêu khắc gỗ vốn chỉ làm việc cho các đình chùa và cung điện nên việc chuyển hướng sang sản xuất giày đòi hỏi thời gian và cả sự đầu tư. Từ chỗ làm ra những vật dụng thờ cúng trong Phật giáo, nay người thợ điêu khắc có thêm một kỹ năng mà vẫn giữ được những gì cơ bản nhất của nghề cũ. Đội ngũ thiết kế luôn làm việc rất tích cực nhằm đưa ra những mẫu mã hợp với xu hướng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng”, chị Quỳnh Anh nói.
Mang giày XƯA ra thế giới


Sản phẩm giày Xưa với guốc mộc được chạm khắc hoa văn tinh xảo gây ấn tượng tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018.

Sản phẩm giày Xưa với guốc mộc được chạm khắc hoa văn tinh xảo gây ấn tượng tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018.

Để phát triển mạnh và tạo được vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế, thương hiệu XƯA đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đồng thời cũng được Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét cấp “Con dấu nhận diện hàng thủ công mỹ nghệ Huế”.
Để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, Xưa luôn cố gắng học hỏi, phát triển để được nhiều thị trường khác nhau chấp nhận (đặc biệt là thị trường EU, Mỹ…). Tùy theo thị trường tiềm năng, Xưa thiết kế mẫu mã dựa trên khung kích cỡ chuẩn quốc tế để tạo ra sản phẩm phù hợp. Tất cả các chi tiết của giày dép đều được thử nghiệm: độ mài mòn, độ cứng, độ dính, độ mềm dẻo, tỷ lệ bạc màu và khả năng chống lại điều kiện khí hậu. Thí dụ, đế của giày ủng mùa đông phải duy trì được độ mềm dẻo ở nhiệt độ -40ºC. “Sản phẩm của chúng tôi đơn thuần là ứng dụng từ vốn hoa văn, họa tiết cổ của Việt Nam, sản phẩm mang đặc trưng nét văn hóa Việt nên đối tượng khách hàng mà XƯA muốn nhắm đến là những vị khách khó tính về giá trị chất lượng và thẩm mỹ, mong muốn sở hữu một sản phẩm đơn giản nhưng không kém phần tinh tế sang trọng, có độ bền cao, họ là những người có thu nhập ổn định”, chị Quỳnh Anh cho biết.

Đa phần các ngành công nghiệp giày đều sản xuất phát triển theo mô hình truyền thống, chính vì vậy, thị trường mặt hàng giày gỗ điêu khắc, chạm khảm, sơn mài của XƯA có được lợi thế lớn là chưa có đối thủ cạnh tranh cả về kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng và giá thành, sản phẩm hợp thời trang lại đưa được nét thuần phong mỹ tục ra với bạn bè quốc tế, Xưa tự tin sẽ có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Hy vọng đây sẽ là một cơn gió lạ, bắt nhịp cùng với các ngành công nghiệp thời trang trên thế giới, làm sống lại những ngành nghề truyền thống lâu đời, góp phần tạo nên cho đất nước nói chung, thành phố Huế nói riêng một thương hiệu đặc trưng nhằm phục vụ cho nhu cầu của du khách trong nước và trên thị trường quốc tế.