Cây tiêu Lốt (tên gọi khác là tiêu dài, tiêu thất, tiêu lá tim…) được Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp tiêu Chư Sê (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bắt đầu đưa về trồng từ tháng 7/2015.

Đến nay, Hợp tác xã đã phát triển diện tích trồng tiêu lên 4 ha, với khoảng 8.000 trụ, cung ứng ra thị trường khoảng 150 tấn tiêu tươi/năm. Sau khi nhận thấy những ưu điểm của loài tiêu này, một số hộ nông dân ngoài Hợp tác xã đã tự tìm hiểu và nhập giống tiêu Lốt về trồng, dù chưa được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp tiêu Chư Sê là đơn vị đầu tiên trong tỉnh Gia Lai đưa cây tiêu Lốt vào trồng tập trung, dựa trên nhu cầu của thị trường để phát triển diện tích. Để đưa giống tiêu Lốt vào trồng tập trung, Hợp tác xã đã tạo mối liên kết giữa ba nhà: Nhà quản lý, Nhà khoa học về mặt sâu bệnh, dinh dưỡng và Nhà tiêu thụ. Chính vì thế, Hợp tác xã đã tạo ra quy trình sản xuất khép kín, vừa đảm bảo về mặt cây giống, phương thức canh tác cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp tiêu Chư Sê, cây tiêu Lốt có nhiều ưu điểm hơn so với cây tiêu đen truyền thống như nhanh cho thu hoạch (chỉ khoảng 6 tháng sau khi trồng), kháng được một số bệnh thông thường, ít mắc bệnh chết nhanh chết chậm, không có hiện tượng tiêu chết hàng loạt,… Ngoài ra, một ưu thế lớn nữa của loài tiêu này, đó là việc cho thu hoạch quanh năm, giúp cho nông dân có được nguồn thu thường xuyên.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Thạch, thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê được Hợp tác xã hợp đồng trồng 600 trụ tiêu Lốt từ tháng 11/2015. Đến nay, vườn tiêu của gia đình ông đã cho thu hoạch. Cứ một tuần, gia đình ông Thạch lại tiến hành thu hoạch tiêu, thu về khoảng 40 kg tươi một lần hái.

“Về thu nhập thì tôi nghĩ cây tiêu Lốt không cao hơn so với cây tiêu đen truyền thống. Tuy nhiên, những ưu điểm như nhanh cho thu hoạch và ít sâu bệnh giúp cho gia đình tôi yên tâm hơn trong vấn đề trồng và chăm sóc cây tiêu này”, ông Thạch cho biết.

Cũng như ông Thạch, gia đình ông Nguyễn Văn Nghị, làng K Lah Nhân, xã AlBá, huyện Chư Sê trồng 600 trụ tiêu Lốt theo hợp đồng của Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp tiêu Chư Sê trên diện tích 3.000 m 2 từ tháng 8/2016. Trước đây, diện tích này được ông Nghị trồng cây tiêu đen, song do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh chết nhanh chết chậm, toàn bộ diện tích tiêu đen đã chết.

Chính vì vậy, khi nhận được giống tiêu Lốt từ Hợp tác xã với nhiều ưu điểm vượt trội, ông Nghị đã không ngần ngại đưa vào trồng trên nền của diện tích trồng tiêu đen trước đây. Đến nay, toàn bộ 600 trụ tiêu Lốt của ông cũng đã bắt đầu cho thu hoạch.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp tiêu Chư Sê cho biết, việc đầu ra cho sản phẩm chưa nhiều cũng khiến Hợp tác xã chưa thể mở rộng diện tích trồng tiêu Lốt.

“Hiện chúng tôi đang hướng đến thị trường gia vị của loài tiêu này. Tuy nhiên, vì đây là một giống tiêu còn khá lạ với nhiều bà con nông dân cũng như chưa có thị trường tiêu thụ lớn nên vẫn chưa có ý định sẽ mở rộng thêm diện tích sản xuất loại tiêu này”.

Điều đáng nói, sau khi nhận thấy những lợi ích của các hộ nông dân trồng tiêu Lốt trong Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp tiêu Chư Sê, một số hộ nông dân nằm ngoài Hợp tác xã đã tự tìm hiểu, liên hệ để mua giống tiêu này về trồng, dù chưa nắm rõ về các đặc tính sinh trưởng của cây và chưa được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Gia đình anh Bùi Công Hoài, thôn 2, xã Ia Pal, huyện Chư Sê cho biết, do bị mắc bệnh nên vườn tiêu đen của nhà anh đã bị chết một phần. Anh Hoài đã tiếp tục vay mượn ngân hàng để đầu tư trồng lại, song không có được kết quả tốt. Tổng cộng, gia đình anh đã bị chết khoảng 1.600 trụ tiêu, với số nợ ngân hàng lên đến 400 triệu đồng.

Sau khi nghe thông tin về cây tiêu Lốt từ bạn bè, anh đã tự tìm hiểu qua mạng internet và nhập 1.200 dây tiêu này từ Bình Dương về trồng vào diện tích tiêu đen đã chết trước đó, với hy vọng đây sẽ là cây trồng giúp gia đình anh vực lại kinh tế.

Đến nay, diện tích tiêu Lốt của gia đình anh Hoài đã cho thu hoạch, song chưa bán sản phẩm ra thị trường. “Khi tôi mua dây tiêu Lốt thì người bán cũng hứa là sẽ bao tiêu sản phẩm. Tuy hứa như vậy, chứ cũng không có giấy tờ hay hợp đồng bao tiêu gì”, anh cho biết thêm.

Tương tự anh Hoài, gia đình anh Phạm Trọng Thiệm ở làng Roh, xã Al Bá, huyện Chư Sê cũng nhập khoảng 2.000 dây tiêu Lốt về trồng trên diện tích tiêu đen chết trước đó từ tháng 8/2016, với lời hứa của người bán dây tiêu là sẽ thu mua sản phẩm. Sau khi ươm bầu, số lượng dây còn sống được anh đưa xuống trồng còn khoảng 60 – 70%. Đến thời điểm này, diện tích tiêu Lốt đã bắt đầu cho thu hoạch với số lượng ít, nên sản phẩm anh dùng để làm quà tặng người thân chứ chưa bán.

“Do gia đình tôi trồng tiêu Lốt vào trụ tiêu đen chết trước đó nên cũng không tốn quá nhiều tiền đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay tôi cũng chưa có cơ sở pháp lý nào để đảm bảo về mặt đầu ra cho sản phẩm này”, anh lo lắng.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây Hồ tiêu cho biết, tiêu Lốt là giống tiêu còn khá lạ lẫm với nông dân.

Theo ông Ngọc, trên thế giới có một số nước dùng loại tiêu này làm gia vị và dược phẩm, thậm chí một số nước ở Nam Mỹ và Châu Phi xem tiêu Lốt là món ăn gia vị đặc thù. Tuy nhiên, do phần lớn vẫn sử dụng loại tiêu đen truyền thống, nên thị trường tiêu thụ của tiêu Lốt còn nhỏ, ở Việt Nam gần như là không, trong khi ở Châu Á thì Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường tiêu thụ chủ yếu loại tiêu này.

“Hiện tại, ở Việt Nam chỉ có một số Hợp tác xã trồng loại tiêu này vì có được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đối tác nước ngoài. Việt Nam vẫn chưa có quá trình chọn lọc giống cũng như quy trình canh tác hay nghiên cứu các điều kiện tự nhiên có phù hợp với loại tiêu này hay không.

“Khi trồng ít, có thể loài tiêu này đang cho thấy những ưu thế vượt trội về mặt sâu bệnh so với giống tiêu đen truyền thống, song chúng ta không thể khẳng định điều đó còn đúng không khi mở rộng diện tích. Thêm vào đó, điều quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ nhỏ, đầu ra sản phẩm còn chưa đảm bảo nên chúng tôi cũng khuyến cáo nông dân không nên tự ý mở rộng diện tích trồng tiêu Lốt”, ông Ngọc nhấn mạnh.