Thời tiết diễn biến bất thường, sâu bệnh hoành hành đang khiến nhiều gia đình trồng điều ở một số địa bàn trên tỉnh Gia Lai rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Hoa điều ở Ia Grai gặp sương muối héo khô
Dọc con đường đến huyện Ia Grai, nhiều diện tích điều nhìn rất xanh tốt tuy nhiên không cho quả. Quan sát kỹ hơn thì phát hiện trên cây là những chùm hoa đã chết khô.
Ông Lã Ngọc Sơn (Thôn 2, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cho biết: “Nhà tôi trồng được 2 ha điều, những năm trước cho thu hoạch được khoảng 2 tấn hạt.
Tuy nhiên, năm nay diễn biến thời tiết thất thường, sương muối xuất hiện trong đợt điều đang ra hoa khiến nhiều diện tích điều không đậu được quả. Cứ tình hình này năm nay 2ha điều chắc chỉ cho nổi 1 tấn hạt”.
Sâu bệnh khiến điều chết khô
Bất lực nhìn cảnh những ngọn điều non chết khô vì bọ xít muỗi dù đã phun thuốc nhiều lần, ông Nguyễn Văn Thuấn (trú tại điểm 9, xã Uar, huyện Krông Pa) buồn rầu: “Nhà tôi giờ đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất khi 13ha điều, 2 năm nay vì thời tiết, sâu bệnh phá hoại không cho thu hoạch được. Giờ nợ ngân hàng cũng lên đến 500 triệu đồng mà không biết xoay sở sao để trả”.
Bọ xít muỗi hoành hành khiến nhiều diện tích điều “cháy lá” tại Krông Pa
Không chỉ có riêng rẫy điều nhà ông Thuấn bị bọ xít muỗi phá hoại, mà những vườn điều với diện rộng cả chục ha xung quanh cũng lâm vào cảnh tương tự.
“Những rẫy điều được trồng khoảng 5 năm tuổi thì có đến 90% bị bọ xít muỗi hút hết chất dinh dưỡng khiến ngọn héo khô, cả cây còn sót lại vài chùm quả. Với những rẫy điều trồng trên 10 năm thì cũng có 50% diện tích gặp tình trạng này”, ông Thuấn nói.
Các diện tích điều chỉ cho quả lưa thưa
Không bị ảnh hưởng của bọ xít muỗi, nhưng rẫy điều nhà ông Nguyễn Văn Sơn (trú tại xã Uar) cũng rơi vào cảnh thất thu. Những chùm hoa mới chớm nụ thì đã bị sâu xanh cắn trụi, trên cây chỉ còn lưa thưa vài chùm.
“Ban đầu sâu xuất hiện còn ít, nhưng đến nay mỗi cây đều có vài trăm con sâu cắn trụi cả hoa. Cứ cách 10 ngày là tôi lại phun 1 lần thuốc, nay đã được 3 lần rồi vậy mà sâu xanh vẫn không hết, nhìn hoa điều rụng kín đất mà tiếc đứt ruột”, ông Sơn nói.
Theo thống kê của Trạm bảo vệ thực vật huyện Krông Pa, đến nay đã có gần 100ha điều bị bọ xít muỗi tấn công. Bên cạnh đó cây công nghiệp này cũng đang bị bệnh than thư và sâu xanh cắn phá.
Ông Nguyễn Nam Long, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Krông Pa cho biết: “Để giúp người dân ứng phó với tình trạng sâu bệnh chúng tôi đã đề xuất lên UBND huyện tổ chức tập huấn và hướng dẫn người dân cách phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó cũng đã ra văn bản cảnh báo và hướng dẫn người dân cách phòng chống sâu bệnh hại”.