Đề tài do ThS Võ Thị Mỹ Dung - Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN làm chủ nhiệm. Đây là đề tài ứng dụng từ kết quả nghiên cứu của đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng rạn nhân tạo tại vịnh Nha Trang nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản”.
Đề tài cơ sở nêu trên thực hiện nhằm đánh giá lại hiện trạng quản lý, khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu rạn nhân tạo phía Bắc vịnh Nha Trang sau 4 năm thả rạn. Là hệ thống 10 cụm rạn bê tông được đặt ở độ sâu 7-12 m tại khu vực cách bờ biển khu tái định cư phường Vĩnh Hòa về phía Đông khoảng 2km, tại vĩ độ 12017’37’’, kinh độ từ 1090 13’26’’ đến 109013’56’. Rạn bao phủ 10.000 m2 nền đáy biển, được xây dựng nhằm mục tiêu bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ tại vịnh Nha Trang.
Sau thời thời gian thực hiện từ tháng 4/2017-5/2019 (có gia hạn 5 tháng), đề tài đã đạt được kết quả như sau: Rạn nhân tạo phía Bắc vịnh Nha Trang hiện đang được BQL vịnh Nha Trang quản lý thông qua các hoạt động: lắp đặt lại phao khoanh vùng bảo vệ rạn nhân tạo, tổ chức lặn khảo sát đánh giá khu vực rạn theo định kỳ nhằm theo dõi diễn biến phục hồi hệ sinh thái trong khu vực rạn. Hoạt động khai thác tại khu vực rạn hiện đang chịu các tác động của các hoạt động khai thác thủy sản ven bờ. Hướng quản lý, khai thác trong thời gian tới là tái thiết lập mô hình bảo vệ rạn kết hợp khai thác du lịch theo hướng sinh thái, đồng thời triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về rạn nhân tạo. Rạn nhân tạo là nơi thích hợp cho các sinh vật sinh sống, ghi nhận được 91 loài cá rạn, 16 loài sinh vật đáy cỡ lớn tại khu vực rạn. Mật độ phân bố các loài cá và các sinh vật đáy cỡ lớn ở tại các cụm rạn nhân tạo có xu hướng tăng theo thời gian, chủ yếu là các loài cá có kích thước nhỏ tập trung sống thành đàn và các sinh vật bám trên bề mặt rạn.
Khu vực rạn nhân tạo có tiềm năng khai thác du lịch theo hướng sinh thái đồng thời có thể sử dụng mô hình rạn như mô hình mẫu phục vụ công tác tham quan học tập hay nâng cao hiệu quả tuyên truyền của người dân về rạn nhân tạo và vai trò của rạn nhân tạo trong phục hồi nguồn lợi. Một vài công ty du lịch được tham vấn cũng đánh giá cao tiềm năng khai thác du lịch tại khu rạn và mong muốn được đầu tư phục vụ du lịch. Chính vì vậy, hướng quản lý, khai thác tại rạn được đề xuất trong thời gian tới là đơn vị được giao quyền sử dụng rạn sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch tái thiết lập mô hình quản lý nhằm phục vụ công tác bảo vệ kết hợp liên kết khai thác du lịch tại rạn; đồng thời triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và các hoạt động bảo vệ, phục hồi nguồn lợi. Đề tài được hội đồng đánh giá Đạt.
(Sở KH&CN Khánh Hòa)