Vừa qua, Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh do đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Chủ tịch đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu dự án “Ứng dụng KH&CN tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn”.
Dự án do Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chủ trì thực hiện từ năm 2016 - 2019 với mục tiêu: Nâng cao hiệu quả sản xuất chè Shan hàng hóa thông qua việc tổ chức sản xuất nguyên liệu chè theo VietGAP, hữu cơ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Để đạt mục tiêu đề ra, dự án đã thực hiện các nội dung: Xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mô hình sản xuất chè Shan theo hướng hữu cơ; hỗ trợ HTX thiết bị, công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm chè Shan tuyết; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc; đào tạo, tập huấn kỹ thuật, tổ chức hội nghị, hội thảo.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã hoàn thành các nội dung, mục tiêu đề ra. Dự án đã xây dựng được mô hình sản xuất vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP 10ha và theo hướng hữu cơ 20ha. Năng suất tăng từ 194,1-243,8%, chất lượng nguyên liệu tốt. Hiệu quả sản xuất nguyên liệu tăng 270,8% đối với mô hình VietGAP và tăng 214,7% đối với mô hình hữu cơ, đã hỗ trợ thành lập và chọn HTX Hồng Hà để chuyển giao làm chủ 3 quy trình công nghệ sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm chè Shan tuyết, gồm (Hồng trà, Bạch trà và Trà móc câu), trong đó có 2 sản phẩm Hồng trà và Bạch trà là 2 sản phẩm mới của tỉnh Bắc Kạn có giá trị kinh tế cao (500.000đ/kg Hồng trà, 6.000.000đ/kg Bạch trà). Khi kết thúc dự án, nếu duy trì và nhân rộng được quy trình sản xuất này trên khoảng 700ha diện tích chè Shan tuyết trồng phân tán hiện nay trên địa bàn xã Bằng Phúc và có thị trường tiêu thụ tốt, đây sẽ là cơ hội làm giầu cho các hộ gia đình trồng chè Shan tuyết của xã Bằng Phúc. Dự án đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho chè Shan tuyết Bằng Phúc với 45 hộ và 1 HTX tham gia. Đào tạo, tập huấn cho 150 lượt người về sản xuất và chế biến. Kết nối HTX Hồng Hà với công ty TAWU, ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mở ra hướng sản xuất và tiêu thụ bền vững, tạo tiền đề phát triển vùng chè Shan Bằng Phúc.
Tại Hội nghị, Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh đều đánh giá cao kết quả dự án đã đạt được; đồng thời đóng góp ý kiến để đơn vị chủ trì thực hiện bổ sung, hoàn thiện báo cáo dự án. Các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu nghiệm thu dự án với kết quả xếp loại Xuất sắc.
Kết luận Hội nghị nghiệm thu đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá dự án hoàn thành nội dung, đạt được mục tiêu đề ra, một số sản phẩm đạt và vượt so với kế hoạch. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì dự án tiếp thu các ý kiến hoàn thiện báo cáo, bổ sung quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất hữu, phần kiến nghị, đề nghị cần cụ thể, rõ hơn. Sở KH&CN hoàn thiện các thủ tục trình UBND tỉnh công nhận kết quả theo quy định. Bàn giao kết quả cho địa phương để duy trì, mở rộng diện tích. Từ kết quả dự án đã ứng dụng thành công Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Chợ Đồn, cấp ủy đảng, chính quyền xã Bằng Phúc xây dựng kế hoạch nhân rộng diện tích sản xuất chè theo VietGAP, hữu cơ từ đó mở rộng vùng nguyên liệu, tăng cường phối hợp với sở, ngành chức năng quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.