Năm 2011, cây trôi ở khuôn viên trường trung học cơ sở Nguyệt Đức, xã Nguyệt Đức (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Tuy nhiên, do cây đã nhiều năm tuổi lại không được chăm sóc, bảo vệ tốt, nên cây di sản này đang bị ảnh hưởng.

Ông Tạ Huy Ban, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyệt Đức cho biết: Trước đây, cây trôi quanh năm xanh tốt, không có mùa rụng lá. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, một số rễ cây bị mục rỗng, một số cành chính của cây bị khô héo; toàn bộ tán lá không còn xanh tốt, có hiện tượng rụng và khô đầu cành.

Theo kết luận của Viện Bảo vệ Thực vật Việt Nam, sở dĩ cây có hiện tượng trên do bên trong thân bị mục rỗng vì tuổi đời cao (khoảng hơn 1.000 năm); có nhiều sâu xén tóc đục thân, làm tổ, hút chất dinh dưỡng; nấm rỗng thân ăn mòn bên trong thân và rễ cây; mối đục rễ và vỏ cây; một số vi sinh vật bám và hút nhựa cây; nhiều loại cây sống ký sinh trên các cành cây.


Cây trôi đã thành cây di sản

Cũng theo các chuyên gia, việc cứu chữa, chăm sóc cây trôi là rất cần thiết và phải được làm kịp thời. Thời gian để phục hồi, đảm bảo sức sinh trưởng, phát triển của cây khoảng 2 đến 2,5 năm với các biện pháp cụ thể cần làm trong nhiều đợt như: Xử lý nấm mốc, thuốc sinh học diệt mối, loại bỏ cây sống ký sinh, bón phân vi sinh…

Trước tình hình trên, UBND xã Nguyệt Đức cũng đã thành lập Ban chỉ đạo vận động nhân dân địa phương, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đoàn thể chung tay bảo vệ cây; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện, có kế hoạch cứu chữa, bảo vệ cây kịp thời.

Cây trôi ở xã Nguyệt Đức có tuổi đời hơn 1.000 năm. Cây có đường kính gần 3m, chu vi thân gốc 9m, cao trên 25m, đường kính tán rộng 31m, thân rỗng, 5 người có thể ngồi trong thân cây.