Tỉnh đang tăng cường hướng dẫn người dân tập trung tái canh và ghép cải tạo những diện tích cà phê già cỗi nhằm vực dậy năng suất, chất lượng của loại cây trồng mũi nhọn của tỉnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng tái canh được hơn 2.800 ha cà phê vượt gần 30% kế hoạch.
Hướng đến phát triển bền vững cây cà phê, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ theo mô hình và nhân rộng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa tại gốc cho hơn 4.000 ha cây trồng chủ yếu trên cây cà phê, hồ tiêu. Định hướng đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng gần 4.000 ha cánh đồng lớn tại các địa phương trọng điểm như huyện Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Đăk Đoa... Trong số này, Đăk Đoa đang là địa phương đi đầu trong việc vận động hơn 100 hộ dân tại xã Nam Yang liên kết hình thành nên cánh đồng mẫu lớn hơn 120 ha.
Người dân bên cánh đồng cà phê mẫu lớn tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa.
Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn với hơn 90.000 ha; trong đó diện tích cần phải tái canh đến năm 2020 là gần 18.000 ha. Để hoàn thành mục tiêu này, một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn vay. Theo người dân và các doanh nghiệp trồng cà phê, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho tái canh cà phê rất khó khăn do thủ tục quá nhiều khâu, lãi suất còn cao và thời hạn quá ngắn so với giai đoạn tái canh đến lúc có thu nhập.
Ngoài ra, hạn mức cho vay tái canh theo quy định là 150 triệu đồng/ha không đủ đáp ứng chi phí tái canh, trong khi lại phải giải ngân theo tiến độ nên rất nhiều hộ dân không mặn mà với chương trình này. Tính đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chỉ mới giải ngân được khoảng hơn 100 tỷ đồng; trong đó, vốn theo chương trình tái canh cà phê của Chính phủ chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là vốn từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat) và vay theo hình thức thỏa thuận thương mại giữa các hộ dân và ngân hàng.
Ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai yêu cầu, ngành nông nghiệp địa phương cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện chương trình tái canh cà phê; làm rõ nguyên nhân vướng mắc và cùng với ngân hàng xây dựng quy chế phối hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho người dân. Về phía ngân hàng cũng tiếp tục xem xét, có ý kiến với Trung ương để tháo gỡ khó khăn trong cơ chế vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.