Nổi tiếng vì chất lượng vượt trội, đặc biệt là hương thơm, nhưng gạo thơm Yên Dũng đang được bán với giá rẻ rúng và bà con nông dân cũng đang từ bỏ nó để chuyển sang các giống khác.

Bà con Yên Dũng mong đợi các nhà khoa học giải được bài toán năng suất để giống lúa quý thoát khỏi tình thế oái oăm này.

Gạo ngon giá như gạo thường

Chắt lọc hương phù sa của ba con sông - sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam, gạo thơm Yên Dũng không chỉ có mùi hương đặc biệt mà còn hấp dẫn bởi hạt gạo trắng ngần, đều tăm tắp, cơm dẻo, ngon.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Dũng - cho biết, loại gạo này được trồng nhiều nhất ở các xã Cảnh Thuỵ, Tư Mại, Đức Giang, Tiến Dũng... Toàn huyện có khoảng 500ha lúa thơm mỗi vụ, chiếm 59,4% tổng diện tích lúa.

Lúa thơm Yên Dũng. Ảnh: Tiền Trịnh
Lúa thơm Yên Dũng. Ảnh: Tiền Trịnh

Ông Nguyễn Đình Lực - Hội Sản xuất và Tiêu thụ gạo thơm Yên Dũng, người kinh doanh loại gạo này lâu năm - cho biết, gạo thơm Yên Dũng có chất lượng rất tốt nên lâu nay bà con sản xuất đến đâu là thương lái mua hết đến đó. Tuy nhiên, ông không vui khi nói về chuyện giá cả: “Một dòng gạo ngon như vậy mà bà con đang phải chấp nhận bán bằng giá gạo thường, chỉ khoảng 11.000-12.000 đồng/ kg, rất dễ tạo nên tư tưởng chuyển đổi sang giống lúa khác. Bản thân tôi cũng nhận thấy trồng giống này không kinh tế nên 8 sào lúa của gia đình đã chuyển sang trồng giống khác có năng suất cao hơn”.

Gia đình ông Hoàng Văn Kiên ở xã Tư Mại đang trồng 7 mẫu lúa thơm,năng suất từ 170-200kg/sào. Ông cho biết: “Không riêng tôi, bà con ở đây trồng thì trồng nhưng lợi ích kinh tế rất thấp. Một công cấy đã mất 250.000 đồng, tổng chi phí vật tư cho mỗi sào lúa không hề nhỏ. Trong khi đó, bà con hiện vẫn bán lúa, gạo cho các đơn vị mua theo hình thức nhỏ lẻ, không có đầu mối nên giá trị không cao”.

Chia sẻ điều này, ông Tiến nói: “Chất lượng gạo thơm Yên Dũng đã được khẳng định, nhưng năng suất không cao bằng nhiều giống khác, thường chỉ dưới trung bình. Đây là giống lúa lâu năm, được bà con giữ lại từ vụ này sang vụ khác nên dễ gặp sâu bệnh. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của người sản xuất, khiến họ muốn chuyển sang giống khác kinh tế hơn”.

Với phản ánh của bà con về việc chỉ bán được sản phẩm cho các đơn vị mua nhỏ lẻ, ông Tiến cho biết, sản lượng gạo thơm toàn huyện chỉ đạt trên 20.000 tấn/năm, bà con vừa gặt xong đã bán luôn. Vì thế, tuy chính quyền có liên hệ với một số nhà phân phối thu mua thường xuyên nhưng không duy trì được quanh năm. Theo ông, để giải quyết được vấn đề giá cả, cần có nhiều thay đổi, đặc biệt là tìm cách phát triển thương hiệu, tăng năng suất.

“Vừa rồi, UBND huyện đề ra chính sách hỗ trợ thu mua, sơ chế, chế biến, khuyến khích một số doanh nghiệp, hợp tác xã đứng ra nhưng khó khăn ở lượng thu mua đầu vào. Vì vậy, chưa có đơn vị nào đứng ra để thu gom gạo và đưa đến các thị trường lớn” - ông Tiến cho biết.


Ứng dụng kỹ thuật thay đổi cơ cấu giống

Để cải thiện chất lượng giống lúa, hạn chế sâu bệnh, Yên Dũng đang tập trung vào một số giải pháp như thay đổi cơ cấu giống. Từ năm 2015, UBND huyện đã có các chính sách hỗ trợ phát triển giống lúa mới, tập trung vào giống gạo thơm.

“Địa phương cũng thường xuyên liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học ở khu vực phía bắc để tìm phương án cải tạo giống, khuyến cáo người dân sử dụng giống mới, không nên dùng lại giống sau khi thu hoạch” - ông Tiến nói và bày tỏ hy vọng các nhà khoa học có thể nghiên cứu cải thiện giống lúa thơm có năng suất cao hơn để bà con yên tâm mở rộng sản xuất và thương hiệu, giá trị gạo thơm Yên Dũng được nâng cao.

Gạo thơm Yên Dũng được trưng bày ở hội chợ. Ảnh: Tiền Trịnh
Gạo thơm Yên Dũng được trưng bày ở hội chợ. Ảnh: Tiền Trịnh

Tiếp tục dòng tâm tư về thương hiệu, ông Tiến cho biết, sau khi gạo thơm Yên Dũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 80 hộ thành viên của Hội Sản xuất và Tiêu thụ gạo thơm được quyền sử dụng logo có dòng chữ cách điệu "Gạo thơm Yên Dũng" trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, bà con chủ yếu bán thóc ngay sau gặt nên ít dùng đến nó.

“Các hộ xay xát gạo có sử dụng nhưng với số lượng ít, chủ yếu để tặng quà, mỗi bao gạo chỉ khoảng 10kg. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho việc quảng bá thương hiệu” - ông Tiến nói và cho biết, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ kết nối để đưa gạo thơm Yên Dũng tới các doanh nghiệp, các trung tâm thương mại. Huyện cũng sẽ hỗ trợ bao bì, nhãn mác để bà con sử dụng.