Từ chỗ mất trắng hoặc có lãi rất ít khi trồng cà, nhiều người dân xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đang hồ hởi trồng cà gốc ghép trái vụ. Với giống cà mới này, họ không còn phải mệt mỏi đối phó với sâu bệnh, lại thu lợi nhuận cao vượt trội so với trước đây.

Từ mất trắng đến bội thu

Ông Nguyễn Thanh Phong - nông dân xã Phú Thành - cho biết, trước đây việc trồng các cây họ cà ở An Giang rất khó khăn do bệnh héo tươi làm cây chết hàng loạt. Trong giai đoạn ra hoa và đậu trái non, bệnh phát triển rất nặng, có nơi chết 100% trong mùa mưa. Ở các vùng chuyên canh rau màu hoặc trồng cây họ cà trước đó, bệnh càng nghiêm trọng hơn.

Do chưa có thuốc đặc trị và giống kháng bệnh héo tươi nên trong hầu hết các vụ cà trước đây, ông Phong và các nông dân khác trong xã gần như không có lãi. “Nếu có lãi cũng rất ít nên dân không muốn trồng cà nữa” - ông Phong nói.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) An Giang đã trồng khảo nghiệm cà gốc ghép trên 1.000m2 tại huyện Phú Tân. Giống được chọn là cà tím trái dài, cà tím trái tròn, cà xanh mở. Thời gian trồng là từ tháng 7 đến tháng 10/2016, giai đoạn chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, không thuận lợi cho cây cà.

Mô hình khảo nghiệm giống cà tím gốc ghép và cà xanh mở gốc ghép tại huyện Phú Tân.

Kết quả, cà gốc ghép không xuất hiện bệnh héo tươi, còn mô hình đối chứng có tỷ lệ bệnh này rất cao và tăng dần theo thời gian sinh trưởng (do giai đoạn gần thu hoạch là mùa mưa, mầm bệnh lan truyền nhanh trong đất).

Các giống cà gốc ghép đều cho năng suất cao, 4,7 tấn/1.000m2 với cà tím trái dài và 4,3 tấn/1.000m2 với cà tím trái tròn, cà xanh mở. Tỷ lệ kháng bệnh héo tươi đạt từ 99,8%-100%, tỷ lệ kháng bệnh khảm từ 94,1%-94,7%. Lợi nhuận mỗi vụ của 2 giống cà tím đều cao gấp 10 so với mô hình đối chứng (20,4 triệu đồng/1.000m2 với giống trái dài và 24,7 triệu đồng/1.000m2 với giống trái tròn. Giống cà xanh mở cho lợi nhuận 13,2 triệu đồng/1.000m2, tăng gần 7 lần so với mô hình đối chứng.

Nhân rộng mô hình

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, lúc đầu ông không dám trồng cà gốc ghép, nhưng sau được dự án khảo nghiệm hỗ trợ giống, thuốc, phân bón... nên đã mạnh dạn thử. “Một thời gian sau, trong khi ruộng cà giống cũ chết gần hết thì ruộng cà gốc ghép lên xanh tốt, cho trái to, đều, đẹp, năng suất cao. Bà con thấy lợi nhuận cao, trồng lại tương đối dễ nên đã chuyển sang giống mới. Tuy nhiên, hiện nay trung tâm chưa cung cấp được đủ giống cà gốc ghép cho bà con” - ông Phong nói.

Trái cà tím từ cây gốc ghép. Ảnh: Phương Anh

Bà Trần Ngọc Phương Anh - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang - cho biết các giống cà tím và cà xanh mở gốc ghép thích hợp để trồng trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 11, do nghịch vụ nên bà con có thể bán giá cao. Trong năm 2017, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang sẽ nhân rộng mô hình này ra 3 huyện An Phú, Tân Châu và Chợ Mới. Các hộ tham gia khảo nghiệm sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu (trên diện tích canh tác 1.000m2 mỗi hộ).