Ông Nguyễn Đăng Chung - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà Hồ, đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể này - cho biết: Các hộ trong HTX đều phải tuân thủ quy trình nuôi đã được hướng dẫn và quy trình này được kiểm soát nghiêm ngặt.

Đọc bài viết về gà Hồ trên báo Khoa học và Phát triển số 932, một số độc giả gửi thư đề nghị cho biết gà Hồ được dán tem nhãn hiệu tập thể “Gà Hồ - Thuận Thành, Bắc Ninh” được nuôi và kiểm soát theo quy trình nào để đảm bảo chất lượng thương phẩm.

Ông Nguyễn Đăng Chung - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà Hồ, đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể này - cho biết: Các hộ trong HTX đều phải tuân thủ quy trình nuôi đã được hướng dẫn và quy trình này được kiểm soát nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Đăng Chung kiểm tra trứng mới đẻ trong lô gà của gia đình mình. Ảnh: Lê Hằng

Cụ thể, điều kiện bắt buộc đầu tiên là các hộ trong HTX phải có 2 gia đình gà trở lên (một gia đình gà có từ 5-6 con gà mái và 1-2 con gà trống). Các gia đình gà phải được tách riêng và chia ra từng lô (chẳng hạn 2 gia đình gà sẽ tương ứng với 2 lô) để thuận lợi cho việc tạo đàn và nhân giống. Sau khi chia lô, họ cho cặp bố mẹ của các lô khác nhau giao phối chéo với nhau (có thể phối giống với các lô gà của hộ khác) nhằm nhân được giống thuần, tránh thoái hóa.

Gà sinh sản phải trải qua 5 lần tuyển lựa. Từ khi lấy trứng, các hộ nuôi đã phải chọn những quả đẹp mới đưa vào máy ấp. Khi gà nở, họ chọn những con nhanh nhẹn, mắt sáng và lông đẹp... Những con khuyết tật hay bị khoèo chân sẽ bị loại bỏ ngay.

Khi gà con được khoảng 14 ngày tuổi, bắt đầu có lông cánh, người ta chọn ra những con trống và mái đã đạt 70-80% độ trưởng thành. Lần tuyển chọn thứ ba diễn ra khi gà đạt trọng lượng từ 1,5-2kg. Người nuôi phải quan sát chân, cánh gà xem có cân đối với phần thân hay không, xem mã nào nổi lên.



Ví dụ, gà trống có hai màu đen ánh xanh (mã lĩnh) và màu đỏ đậm (mã mận). Gà mái có 3 màu lông là màu đất sét (mã thó), màu lông chim sẻ (mã sẻ) và màu vỏ quả nhãn khô (mã nhãn). Thực tế không phải mã nào cũng nổi lên hẳn vì các mã nổi hẳn rất hiếm. Thường màu nào chiếm tỷ lệ 2/3 trên mình gà thì người ta gọi con gà mang mã đó. Khi bắt đầu đẻ, gà trải qua lần tuyển chọn thứ tư.

Nếu đàn có khoảng 10 con mái và 4 con gà trống, cần xem 10 con mái đẻ ra trứng to hay nhỏ, cách nhật hay liền ngày. Những con đẻ trứng đều, lượng trứng ổn định sẽ được chọn. Trong lần tuyển cuối cùng, người ta kiểm tra xem con gà nào có phôi đạt, phản xạ nhanh thì giữ lại. Chỉ những con gà như vậy mới chính thức trở thành gà sinh sản.

Ông Chung chia sẻ thêm: “Tất cả 9 hộ trong HTX đều tuân thủ quy trình trên, vì gà sinh sản có chuẩn thì gà giống hay gà thương phẩm mới đạt chất lượng. Qua đó, chúng tôi cũng có cơ hội khẳng định thương hiệu gà Hồ có từ bao đời nay”.

Theo ông, HTX luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho những hộ nuôi gà Hồ ở huyện Thuận Thành tham gia khai thác nhãn hiệu tập thể “Gà Hồ - Thuận Thành, Bắc Ninh”. Để tham gia, các hộ cần làm đơn đề nghị, HTX sẽ hướng dẫn triển khai nuôi theo quy trình và cử người đến kiểm tra để nghiệm thu. Nếu thấy các hộ này áp dụng đúng quy trình chuẩn, cho ra được sản phẩm chất lượng tốt, HTX sẽ cấp giấy chứng nhận để sử dụng tem mác”.