Nơi đây sông Công và hồ núi Cốc đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa chế độ nước mặt, nước ngầm cũng như tạo ra những yếu tố vi khí hậu, vì vậy là khu vực có những điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây chè.

Yếu tố tự nhiên

Là vùng đất trung du mang đặc trưng tiểu khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè phát triển. Cạnh đó, dãy núi Tam Đảo chắn bớt cái nắng gắt mùa hè, đồng thời nước của dòng Sông Công thấm qua các mạch ngầm đã tưới mát cho những đồi chè nơi đây. Địa hình địa vật của vùng chè Tân Cương chủ yếu là đồi dạng bát up, chất đất màu mỡ, khí hậu trong lành, nhiệt độ quanh năm mát mẻ tất cả như đã được thiên nhiên sắp xếp và ban tặng cho vùng đất này để tạo nên một thứ đặc sản chè Thái Nguyên làm say đắm lòng người.


Tân Cương, Thái Nguyên có đầy đủ các yếu tố tự nhiên để tạo nên sản phẩm chè Tân Cương ngon hảo hạng. Ảnh: Thái Nguyên Tourism.

Yếu tố con người

Từ đầu thế kỷ XX, người dân bắt đầu khai hoang, mở rộng diện tích ra các khu vực xung quanh, biến khu vực này thành khu vực trồng, chế biến chè nổi tiếng với chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến với tên gọi chè Tân Cương.


Người trồng chè tại Tân Cương thói quen sử dụng phân hữu cơ chăm bón cho cây chè. Họ hái chè rất non, phần lớn hái búp chè một tôm 2 lá, cả khi hái đến lá thứ 3, lá chè cũng rất non nhưng khi mang về đề chế biến, họ vẫn tách riêng lá thứ 3 để chọn lấy búp 1 tôm 2 lá nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm.

Con người nơi đây cũng góp 1 phần không nhỏ đến chất lượng chè Tân Cương. Ảnh: Chè búp Thái Nguyên.
Con người nơi đây cũng góp 1 phần không nhỏ đến chất lượng chè Tân Cương. Ảnh: Chè búp Thái Nguyên.

Chè sau khi hái về, phải để nơi khô thoáng để không bị ải và ôi. Chè phải sao ngay trong ngày thì mới ngon và đậm. Quy trình sản xuất chè trải qua nhiều công đoạn khá công phu và tỉ mỉ. Mở đầu là công đoạn sao tươi, vò qua bằng tay rồi cho vào máy vò kỹ, tiếp đó đổ vào thùng tôn sao khô để ra chè búp thô.

Công đoạn cuối cùng là lấy hương. Đây là công đoạn rất khó, khi lấy hương phải điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp. Lửa to quá thì chè sẽ bị vụn, cháy khét. Lửa nhỏ quá thì chè sẽ không thơm và không có phấn mốc cau. Nếu là chè đinh thì quy trình chế biến lại càng khắt khe, không có kinh nghiệm và kỹ thuật sẽ không thể chế biến được loại chè đặc biệt quý này.

Với sự khéo léo người dân Tân Cương trong chăm sóc, thu hái, bảo quản và chế biến, sự cảm nhận đặc biệt về nhiệt trong lúc sao chè là yếu tố quyết định đến mùi thơm, vị đượm của chè Tân Cương. Vì thế, danh tiếng, chất lượng của chè Tân Cương được giữ gìn đến ngày nay là nhờ sự cần cù, nhiệt huyết và kỹ năng tích lũy từ thế hệ này sang thế hệ khác của người dân nơi đây.