Hơn 30 năm duy trì và phát triển, danh tiếng của gạo Điện Biên từng bước được mở rộng, thị trường và sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Gạo Điện Biên đã trở thành một sản vật, niềm tự hào của người dân nơi đây.
Điện Biên là địa danh của Việt Nam nổi tiếng trên khắp thế
giới từ những năm 1954, gắn với chiến công vô cùng oanh liệt Điện Biên Phủ:
“Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến công này góp phần quyết định kết
thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp
đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của nhân dân Việt
Nam và thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng Điện Biên Phủ được nhắc đến như một chiến thắng
vĩ đại nhất của các nước Đông Nam Á chống lại một cường quốc phương Tây. Dấu ấn
“Điện Biên” đã đi vào trong tiềm thức của người dân Việt Nam nói riêng và nhiều
nước trên thế giới nói chung. Vì thế, mỗi sự việc, sự vật gắn với Điện Biên đều
được người dân Việt Nam trân trọng đặc biệt.
Bắt đầu từ năm 1958, một nông trường quân đội được xây dựng
ở đây, kéo theo di dân từ đồng bằng Bắc bộ, biến Điện Biên là một thị trấn nông
trường, sau được nâng cấp thành thị trấn huyện lỵ của huyện cùng tên thuộc tỉnh
Lai Châu. Đến năm 1963, công trình đại thủy nông Nậm Rốm được đầu tư xây dựng,
với mục tiêu biến lòng chảo Mường Thanh thành “cánh đồng lúa màu mỡ” trên vùng
Tây Bắc.
Ảnh: Gaodienbien.
Hơn 2.000 thanh niên đã hăng hái tiếp bước bộ đội Cụ Hồ lên
với Điện Biên. Mặc dù cuộc sống hàng ngày liên tục bị ảnh hưởng bom đạn bắn phá
của kẻ địch và sự hy sinh gian khổ, cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, lương
thực hàng ngày chủ yếu là ngô răng ngựa luộc cả hạt mà vẫn không đủ ăn.
Đã thế điều kiện khí hậu khắc nghiệt với ruồi vàng, bọ chó, gió
Tây Trang; doanh trại phải sơ tán vào rừng tránh máy bay địch; ngày vào rừng sơ
tán, ban đêm lại ra đào đắp, đổ bê tông xây dựng công trình đại thuỷ nông Nậm
Rốm. Công trình đại thủy nông Nậm Rốm có thể nói là dấu son trên đất Điện Biên
lịch sử, ghi đậm dấu ấn của những thanh niên xung phong; là công trình gắn liền
với quốc phòng, với đời sống kinh tế của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20, cánh đồng
Mường Thanh đã trở thành một vựa lúa của vùng Tây Bắc, góp phần quan trọng cho
nhu cầu của người dân trong vùng và đóng góp cho nhu cầu chung của cả nước .
Gạo từ cánh đồng Mường Thanh đã dần từng bước đi vào trong cuộc sống của người
tiêu dùng cả nước, gắn với địa danh hào hùng của lịch sử “Điện Biên”.
Sau khi đất nước thống nhất (1975), Việt Nam bước vào giai
đoạn xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, mặc dù lúa nước là một nghề
truyền thống từ lâu đời, nhưng đất nước vẫn bước vào giai đoạn thiếu thốn lương
thực (giai đoạn 1970 - 1980).
Trong thời kỳ 1961-1987, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng
năm trên dưới 1 triệu tấn lương thực, năm nhập khẩu kỷ lục (1970) lên tới 2,3
triệu tấn lương thực (trong đó có 1,3 triệu tấn gạo). Trong suốt những năm sau
đó, Việt Nam quan tâm nhiều đến vấn đề an ninh lương thực, nông nghiệp tập
trung vào vấn đề nâng cao năng suất, sản lượng hơn là vấn đề chất lượng sản
phẩm. Trước 1990, 80% giống lúa Việt Nam có hàm lượng amylose cao (>25%),
đồng nghĩa với chất lượng gạo, đặc biệt là chất lượng cơm khi nấu ở mức độ trung
bình.
Trong bối cảnh đó, rất nhiều giống lúa mới đã được đưa vào
thử nghiệm ở vùng lòng chảo Điện Biên, trong đó có giống IR64 (được các cán bộ
khoa học của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đưa lên thử nghiệm ở cánh đồng
Mường Thanh) từ năm 1986.
Ảnh: Gaoque.
Do sự phù hợp về đất đai, điều kiện thời tiết và tập quán
canh tác của người nông dân trong vùng lòng chảo, từ một giống lúa lai tẻ
thuần, IR64 mang lại một loại gạo ngon, dẻo, đậm và thoảng hương mùi thơm.
Vào thời điểm đó, người dân đã so sánh IR64 như loại gạo tám
được trồng ở vùng Đồng bằng sông Hồng, cái tên “gạo tám” Điện Biên được bắt
nguồn từ đó. Vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, ai đã từng lên Điện Biên,
đều mua gạo IR64 (tám Điện Biên) về làm quà, là một đặc sản của cánh đồng Mường
Thanh.
Đến cuối những năm 1990, với sự tiến bộ của khoa học - công
nghệ, giống lúa Bắc thơm số 7 được đưa vào cánh đồng Mường Thanh thử nghiệm và
được người dân đón nhận. Diện tích lúa Bắc thơm số 7 dần dần được mở rộng và
chiếm lĩnh diện tích trồng lúa ở vùng lòng chảo. Điện Biên lại có thêm một loại
gạo cho cơm dẻo, thơm, với ưu điểm đó, người dân đã gọi gạo Bắc thơm số 7 là
gạo tám thơm Điện Biên. Gạo Điện Biên có thêm một sản phẩm nữa trên thị trường,
một sản vật được sinh ra từ cánh đồng Mường Thanh màu mỡ.
Hơn 30 năm duy trì và phát triển, danh tiếng của gạo Điện
Biên từng bước được mở rộng, thị trường và sản phẩm được người tiêu dùng ưa
chuộng. Gạo Điện Biên đã trở thành một sản vật, niềm tự hào của người dân Điện
Biên, bất cứ ai khi ghé thăm Điện Biên cũng xem gạo là một món quà đặc sản của
vùng Tây Bắc.