Không phải qua khâu trung gian, hàng chục hộ nông dân ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trực tiếp ký hợp đồng sản xuất hoa cúc và cẩm chướng với các công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản để xuất sang hai thị trường khó tính này.

Anh Bùi Văn Sỹ trong vườn cúc kim cương.

Cúc trắng kim cương đi Hàn

Mặc dù có ưu thế vượt trội về khí hậu, đất đai và bề dày kinh nghiệm hơn 80 năm trồng hoa nhưng hàng chục năm qua mỗi khi đến vụ thu hoạch, người trồng hoa Đà Lạt lại phập phồng lo lắng trước tình trạng “được giá mất mùa, được mùa mất giá”. Nguyên nhân do hoa bị dội chợ ở thị trường nội địa, thương lái ép giá, các liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất và xuất khẩu hoa còn hiếm hoi…Nông dân Đà Lạt khao khát vươn ra thị trường quốc tế nhưng chưa biết khởi sự thế nào.

Bất ngờ vào cuối năm 2016, đầu năm 2017, khi triển khai các hợp đồng bán hạt giống, phân bón và thiết bị để làm nhà kính trồng hoa công nghệ cao cho nông dân phường 11 (thành phố Đà Lạt), các doanh nhân Nhật Bản, Hàn Quốc rất ngạc nhiên trước chất lượng vượt trội của hoa quả vùng này. Họ liền tiến hành đo nhiệt độ, độ ẩm, lấy mẫu đất và nước mang đi phân tích, sau đó quay lại đặt vấn đề hợp đồng sản xuất, mua hoa Đà Lạt để bán ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Anh Bùi Văn Sỹ (thôn Tự Tạo) là người tiên phong ký hợp đồng. Anh Sỹ nói họ chỉ mua hoa loại A (giá 2.000 đồng/cành) với quy cách dài hơn 80cm, trọng lượng trên 600g, cành thẳng và không dính dư chất thuốc trừ sâu, lá không trầy xước, sắc hoa trắng sáng… và hoa loại B (1.500 đồng/cành) dài trên 70cm, trọng lượng trên 500g, độ nở của hoa dưới 30mm, cổ bông cao dưới 40mm. Yêu cầu này là khá cao nhưng với hàng chục năm kinh nghiệm trồng hoa, thấy có thể làm được nên anh Sỹ quyết định ký hợp đồng. Hơn nữa, họ thu mua hoa dài hạn với giá cao hơn thị trường nội địa vài trăm đồng mỗi cành nên không phải lo chuyện bán tống bán tháo mỗi khi hoa rớt giá. Họ còn cung cấp nguồn giống, thuốc trừ nấm bệnh chất lượng và hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

“Nếu làm tốt thì trên diện tích 1.000m 2 có thể trồng 50.000 cành, trong đó khoảng 35.000 cành đạt loại A, bán được 70 triệu đồng. Như vậy 1ha sẽ được 700 triệu đồng. Với hoa cúc, chỉ 2,5 tháng là thu hoạch nên một năm có thể sản xuất 4 vụ, doanh thu vài tỷ đồng mỗi héc ta, lãi gần cả tỷ đồng”, anh Sỹ nhẩm tính và bắt tay vào nâng cấp hệ thống nhà kính, lắp đặt lại toàn bộ hệ thống tưới và hệ thống bóng đèn thắp sáng vào ban đêm để kéo dài thời gian hoa nở.

Sau vụ sản xuất đầu tiên thành công, anh Sỹ vận động thêm 10 hộ nông dân khác tham gia vào liên kết của mình nâng tổng diện tích sản xuất lên khoảng 10ha. Với phương thức trồng gối đầu, bình quân mỗi tuần tổ liên kết này xuất bán cho đối tác Hàn Quốc từ 300.000 – 400.000 cành. Tương tự, anh Đỗ Ngọc Lâm (tổ Huỳnh Tấn Phát) cũng xuất 300.000 cành hoa cúc trắng sang thị trường Hàn Quốc, chiếm 70% sản lượng thu hoạch.

Các kỹ sư cho biết việc chăm sóc cúc kim cương trong nhà kính không khó nhưng phải thường xuyên quan sát để xử lý kịp thời khi cây bị sâu bệnh hay có những triệu chứng bất thường khác. Cây còn nhỏ thì tưới bằng hệ thống phun sương, đến lúc cây lớn tưới bằng hệ thống nhỏ giọt để hạn chế ướt lá vì khi lá bị ướt dễ phát sinh nấm bệnh. Đối với việc sử dụng điện thắp sáng cho cây vào ban đêm, chỉ thắp sáng từ lúc cây mới trồng đến khoảng 35 – 40 ngày, đến lúc cây cao chừng 40cm thì ngắt điện.

Cẩm chướng sang Nhật

Anh Nguyễn Văn Trung (tổ Đa Phước 2) cũng đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để làm hệ thống nhà kính công nghệ cao trên diện tích 1ha để chuyển đổi từ các loại hoa khác sang thâm canh hoa cẩm chướng. Bên cạnh việc lựa chọn giống tốt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tập huấn thêm về mặt kỹ thuật, anh cho lắp đặt đồng thời 2 hệ thống tưới nước tự động: phun sương trên giàn cao và tưới nhỏ giọt chôn ngầm dưới đất.

Giàn tưới trên cao dùng để bơm phun (đa phần là thuốc sinh học) trực tiếp vào thân, lá, cành, kết hợp với rửa trôi các loại sâu hại, nấm bệnh bám dính. Hệ thống tưới nhỏ giọt thì dẫn nguồn nước với lượng phân bón hòa tan thích hợp (chủ yếu phân vi sinh) nhằm cung cấp dinh dưỡng cho rễ rồi lưu dẫn đến các bộ phận khác của cây. Hai hệ thống tưới nói trên được vận hành luân phiên bổ trợ lẫn nhau đảm bảo cho cây sinh trưởng cứng cáp, thẳng đều, búp hoa to, hoa tươi lâu và bền màu.

Tiếng lành đồn xa, các doanh nhân Nhật Bản đã tìm đến vườn hoa của anh Trung để liên kết, bao tiêu sản phẩm dài hạn. Mấy tháng đầu năm 2017, anh Trung đã xuất hàng trăm ngàn cành cẩm chướng sang Nhật (chiếm 60% sản lượng thu hoạch) và đang chuẩn bị xuất lứa hoa tiếp theo.

Theo lãnh đạo UBND phường 11, thành phố Đà Lạt, cây hoa chiếm hơn 80% diện tích đất nông nghiệp của địa phương. Hiện đã có hàng chục hộ dân thông qua 4 đầu mối lớn để xuất khẩu hoa, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm. Phường khuyến khích nông dân mở rộng liên kết, nâng cao diện tích, đa dạng hóa chủng loại hoa xuất khẩu, nhất là đối với những loại hoa vốn là thế mạnh của địa phương như ly, cát tường…