Hương vị riêng có của ngán Quảng Ninh
Ngán là loài động vật thân mềm, sống trong các vùng lầy, các bãi triều cửa sông, cửa biển, hình dáng bên ngoài khá giống ngao nhưng vỏ màu nâu đen, cứng và dày hơn. Ngán Quảng Ninh có hình tròn hoặc ôvan, màu vỏ xám, xanh nhạt đến đậm. Yếu tố tạo nên vị ngon ngọt lừng danh của ngán Quảng Ninh chính là đặc thù về địa hình, khí hậu, sông ngòi, rừng ngập mặn và chế độ hải văn.
Theo ông Kiều Văn Nguyệt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, do đặc điểm của đất, nước, môi trường và nước phù sa của sông Ba Chẽ đổ về nên ngán ở Đồng Rui phát triển nhiều, thịt đầy, ăn ngọt, thơm và rất ngậy.
Theo phân tích của Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh, thịt ngán Quảng Ninh có 16 loại axít amin khác nhau, đặc biệt hàm lượng methionine và lysine tối thiểu là 2,03 và 6,57g/100g protein - cao hơn so với thịt cá chép (1,1 và 0,8g/100g protein). Trong đó, lysine là axít amin có vai trò rất quan trọng trong việc tạo vị ngọt đặc trưng của ngán.
Chính vì giá trị dinh dưỡng cao nên ngán được chế biến thành rất nhiều món ăn như ngán hấp, ngán nướng, gỏi ngán, rượu ngán, canh ngán và đặc biệt là cháo ngán, ngán xào bún.
Với chất lượng nổi bật được tạo ra nhờ nét đặc thù về tự nhiên đó, năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Quảng Ninh” cho sản phẩm con ngán của tỉnh; cơ quan quản lý là Sở Khoa học và Công nghệ.
Tạo cơ sở sản xuất giống tự nhiên
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Rui cho biết, ngán loại to (18 con/kg) được bán với giá 450.000-500.000 đồng/kg. Mức thu nhập hấp dẫn này khiến không chỉ người Đồng Rui mà dân cư từ nơi khác, đặc biệt là ở thị xã Quảng Yên đến khai thác, khiến nguồn ngán tự nhiên gần như cạn kiệt.
“Thậm chí con nhỏ bằng móng tay bà con cũng bắt. Cách đây khoảng 3-4 năm, vào ngày cao điểm, có người bắt được đến 10kg ngán, nhưng đến thời điểm này thì chỉ được 1-2kg, thậm chí vài lạng; nhưng vì ngán có giá trị kinh tế cao nên bà con vẫn khai thác” - ông Kiều Văn Nguyệt cho biết.
Trước thực trạng đó, năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gene ngán trên địa bàn tỉnh. Ông Đặng Khánh Hùng - Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản - cho biết, trước đây trung tâm đã có một số thử nghiệm nuôi ngán từ nguồn sản xuất giống nhân tạo nhưng hiệu quả không cao do tỷ lệ sống thấp. Hy vọng với nhiệm vụ này, các nhà khoa học sẽ tạo ra được nguồn nguyên liệu ngán bền vững.
Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã thu mẫu, phân tích tỷ lệ mang/thân, axít amin và hệ số đa dạng di truyền đối với mẫu ngán thu được ở 5 xã trên địa bàn tỉnh. Dựa vào kết quả phân tích, họ chọn 3 xã là Hoàng Tân (thị xã Quảng Yên), Đồng Rui và Đông Hải (huyện Tiên Yên) để làm mô hình bảo tồn. Họ ghi nhận, mật độ ngán ở khu vực bảo tồn của bãi Đông Hải ước đạt 0,25con/10m2, bãi Đồng Rui ước đạt 0,1con/10m2 và bãi Hoàng Tân ước đạt 0,04 con/10m2.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản tỉnh Quảng Ninh, người chủ trì nhiệm vụ - cho biết, trong quá trình thực hiện bảo tồn, các hộ dân có trách nhiệm trông coi, không được khai thác hay cho người vào khai thác trong mùa ngán đẻ (tháng 6 âm lịch), không khai thác ngán nhỏ hơn 3cm, cũng không được thả thêm ngán có nguồn gốc bên ngoài vào bãi để tránh lai tạp.
“Trước mắt, lượng ngán tại các bãi lưu giữ được ưu tiên bảo tồn để cung cấp con giống bố mẹ cho các cơ sở sản xuất giống. Về lâu dài, đây sẽ là vùng nguyên liệu phục vụ công tác chọn giống ngán và các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học khác sau này” - bà Thu Hiền nói.
Mô hình bảo tồn nguồn gene ngán tại chỗ được kỳ vọng trở thành một “cơ sở sản xuất giống tự nhiên” để từ đó trứng, ấu trùng và ngán giống phát tán ra môi trường xung quanh cho người dân khai thác. Bà Hiền kỳ vọng sau 2 năm, mật độ ngán tại các bãi lưu giữ sẽ tăng ít nhất 30%.