Để tạo được chuỗi giá trị bền vững cho dược liệu, tất cả các quy trình trồng, nhân giống, ươm giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản dược liệu được thực hiện theo quy trình thao tác chuẩn (SOP)… Đây cũng là cách đi Công ty Cổ phần Dược Danapha đang làm.
Cách đi khác biệt
Theo như lời giới thiệu của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng Thái Bá Cảnh, dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất dược liệu nghệ vàng và đinh lăng tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội 2016 – 2025 (Chương trình Nông thôn – Miền núi) là một dự án với cách đi mới, thể hiện rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi giá trị cho cây dược liệu.
Bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2016, hiện dự án đã bước vào giai đoạn trồng mô hình vườn giống gốc và vườn ươm cây giống. Cụ thể trước mắt sẽ trồng 2ha nghệ vàng và đinh lăng, 2ha vườn ươm giống.
“Chúng tôi đã phối hợp với một tổ hợp tác về dược liệu, ký hợp đồng với khoảng 10 hộ dân. Sau đó cung cấp cây giống, phân bón, kỹ thuật, quy trình chăm sóc cho bà con. Trong toàn bộ quá trình từ khâu chuẩn bị đất, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc đều có cán bộ kỹ thuật theo sát. Chúng tôi cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân nên bà con yên tâm sản xuất”, ThS Phan Hiền Lương - Công ty Cổ phần Dược Danapha - Phó chủ nhiệm, thư kí dự án cho biết.
Không chỉ sẽ thực hiện mục tiêu của dự án là trong 42 tháng kể từ khi bắt đầu triển khai dự án, cơ quan chủ trì phải trồng 10ha dược liệu và xây dựng được quy trình thao tác chuẩn (SOP) từ trồng trọt, chăm bón tới thu hoạch, bảo quản dược liệu, trong số 10ha, cơ quan chủ trì dự án sẽ huy động nguồn lực để triển khai 3ha trồng dược liệu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.
“Ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ cao trong trồng rau, trồng hoa nhưng riêng với dược liệu thì Danapha là đơn vị đầu tiên làm việc này”.
Đảm bảo đầu ra
Hiện nay cả nước có 322 đơn vị, cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, trong đó chỉ có 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP-WHO về đông dược. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị phần thuốc có nguồn gốc từ thảo dược ở Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 10% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước.
Không chỉ chiếm thị phần nhỏ mà kết quả kiểm tra chất lượng dược liệu của Viện Kiểm nghiệm thuốc và trung tâm kiểm nghiệm thuốc cả nước trong những năm gần đấy cho thấy số mẫu thuốc Đông dược không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã đăng ký chiếm khoảng 10% trên tổng số mẫu lấy kiểm tra - cao hơn nhiều so với thuốc tân dược (khoảng 2%). Còn kết quả kiểm tra định tính, định lượng và tạp chất đối với gần 400 mẫu dược liệu của Bộ Y tế đầu năm 2014 cũng cho thấy, có đến 60% mẫu chưa đạt chất lượng theo “Dược điển Việt Nam” và 20% vị thuốc có sự nhầm lẫn giữa các loại, trộn lẫn hóa chất độc hại và hàm lượng hoạt chất đạt thấp.
Đánh giá về thực trạng này, các nhà quản lý cho rằng: Phần lớn các doanh nghiệp dược chưa tự chủ được nguồn cung ứng (do chưa thực hiện GACP-WHO), chưa có trang thiết bị đạt chuẩn để kiểm nghiệm nguồn dược liệu đầu vào khiến việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích trưởng, hàm lượng kim loại nặng, thành phần các hoạt chất có tác dụng sinh học của dược liệu…gặp rất nhiều khó khăn, quy trình chế biến, bào chế dược liệu còn chưa thống nhất và thiếu ổn định.
Chính vì vậy, việc triển khai dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất dược liệu nghệ vàng và đinh lăng tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp và cộng đồng xây dựng được các vùng cung cấp dược liệu sạch, đạt chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra chuỗi giá trị khác biệt, bền vững của các sản phẩm dược liệu có chất lượng cao.
Ông Nguyễn Quang Trị - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược Danapha – Chủ nhiệm dự án, cho biết, hiện Danapha đã hoàn thành đầu tư xây dựng một nhà máy chiết xuất, sản xuất thuốc đông dược đạt chuẩn GMP - WHO hiện đại, hoàn thiện từ khâu đầu sơ chế, chế biến dược liệu, chiết xuất, bào chế đến thành phẩm. Đồng thời đầu tư nhiều máy móc thiết bị hiện đại như hệ thống sắc ký khí khối phổ GCMS, hệ thống sắc ký lỏng hiệu năng cao (RHPLC), máy quang phổ hồng ngoại (FTIR)… và đào tạo nguồn nhân sự có chuyên môn cao, kỹ năng tốt chophòng kiểm tra chất lượng (Đạt tiêu chuẩn GLP “Thực hành tốt phòng kiểm tra chất lượng”).
Với sự đầu tư công nghệ và chuẩn bị hạ tầngnhư vậy, ông Lương khẳng định, những sản phẩm của dự án do Danapha thực hiện sẽ là dược liệu sạch. "
Thông thường với một sào ruộng trồng lúa, một năm người dân chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng, nhưng trồng dược liệu có thể thu nhập đến 100 triệu đồng" - ông Lương chỉ ra lợi ích kinh tế khi người dân tham gia dự án.
Kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản dược liệu: Tất cả các quy trình
nhân giống, ươm giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo
quản dược liệu phải được ban hành thành các quy trình thao tác chuẩn
(SOP) cụ thể trong: tiếp nhận, bảo quản dược liệu tươi, tiếp nhận các
vật tưvật liệu trong quá trình nuôi trồng, sơ chế dược liệu, sử dụng
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý đất, nước vùng trồng trọt.
Phải
soạn thảo và thực hiện đầy đủ các quy trình vệ sinh cá nhân, thiết bị
nhà xưởng, dụng cụ sử dụng sản xuất và sơ chế sản phẩm, quản lý chất
thải rắn, lỏng…. trong nhà sơ chế. Phải có đầy đủ các biểu mẫu để
ghi chép tất cả các hoạt động của việc ươm giống, nhân giống, trồng,
chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản cây thuốc. Tất
cả cán bộ kỹ thuật và người lao động phải được tập huấn đầy đủ để thực
hiện việc ghi chép các biểu mẫu chính xác và đầy đủ theo qui định. |