Mức giá trung bình từ 25.000-70.000 nghìn đồng/kg nấm giúp người dân huyện Hòa Vang, Đà Nẵng có thu nhập tốt từ nghề này. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ quy trình trồng và chăm sóc nhà trồng nấm nên nhiều hộ đã thiệt hại 100% do dịch bệnh, phải bỏ nghề.

Nhiễm bệnh dịch vì sai quy trình

Hợp tác xã Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng) có khoảng 24 hộ dân sản xuất nấm với 3 sản phẩm chính là nấm bào ngư, nấm rơm và nấm linh chi. Tổng diện tích nhà trồng khoảng 400m2. Ông Nguyễn Mai Hồng - Phó Chủ tịch hợp tác xã, phụ trách công tác trồng nấm - chia sẻ: “Người trồng nấm đang phải đối mặt với dịch ruồi. Ruồi ăn vào bịch và nấm, ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng. Hiện trung bình mỗi ngày, người dân xuất cầm chừng từ 150-200kg nấm sò, khoảng 100kg nấm rơm và mỗi tháng xuất trung bình 15-20kg nấm linh chi”.

Thạc sỹ (ThS) Phan Tiến Dũng - Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng - cho biết, cùng với Hòa Tiến, quy mô các hợp tác xã trồng nấm ở Đà Nẵng tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bà con vẫn chưa nắm được hết quy trình kỹ thuật nuôi trồng cũng như công tác vệ sinh, khử trùng lán trại theo định kỳ. Do đó, tỷ lệ nhiễm bệnh nấm dại khá cao, nhà cấy và lán trồng không đảm bảo khiến nhiều hộ bị côn trùng gây hại, có gia đình thiệt hại 100%, nhiều hộ bỏ nghề.

Thạc sỹ Phan Tiến Dũng hướng dẫn bà con trồng nấm tại xã Hòa Sơn (Hòa Vang, Đà Nẵng). Ảnh: Đức Huy

Cũng theo ThS Dũng, trong vụ sản xuất đầu, do có cán bộ triển khai hướng dẫn. nhà trồng đảm bảo tiêu chuẩn nên tỷ lệ nhiễm bệnh tương đối thấp. Tuy nhiên, đến vụ sau, môi trường bắt đầu có nấm mốc, nấm lại có nhiều dinh dưỡng nên khi bị vương ra ngoài trong quá trình thu hái rất dễ thu hút côn trùng, mầm bệnh. Vì vậy, tỷ lệ mầm bệnh ở vụ thứ hai và thứ ba là 20-30%. Trong khi đó, chỉ cần khoảng 20% diện tích bị bệnh, người dân đã gần như không có lợi nhuận.

Ông Dũng khẳng định, nếu bà con không khử trùng đúng cách mà vẫn tiếp tục sản xuất thì tỷ lệ mầm bệnh sẽ tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, việc khí hậu, thời tiết đang diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sinh trưởng, phát triển của nấm.


Hướng dẫn kỹ thuật cho dân

Ông Nguyễn Mai Hồng nêu thực tế: “Người dân thường sản xuất liên tục theo thói quen, không có thời gian làm sạch môi trường. Bã thải sau khi thu hoạch thường để đổ đống, không xử lý, tạo thành ổ dịch bệnh cho nhà trồng”.

Theo hướng dẫn của Trung tâm Công nghệ sinh học, nhiều nông dân đang áp dụng trồng nấm đúng cách. “Cứ sau khoảng 2-3 tháng, bà con sử dụng dung dịch diệt khuẩn để diệt mầm bệnh, làm sạch môi trường trong 7-15 ngày rồi mới tiếp tục sản xuất. Bã thải được ủ làm phân vi sinh hoặc xử lý để không trở thành nơi trú ẩn của các mầm bệnh” - ThS Dũng nói và cho biết thêm, nấm là loài thường bị mắc các bệnh mốc dại như mốc xanh, trắng hoặc hoa cau. Bào tử của những loại mốc này có nhiều trong không khí. Nếu không được khử trùng kỹ lưỡng, khi cấy giống, bào tử mốc sẽ rơi vào bịch nấm và gây bệnh.

Để khử trùng và tránh ẩm mốc - tình trạng thường xảy ra khi xử lý môi trường bằng dung dịch phoócmôn hay amoniac, bà con được hướng dẫn dùng lưu huỳnh khô. Nếu lán trồng bị nhiễm khuẩn nặng, cần sử dụng thuốc bencoisic - sản phẩm thuộc hàng dự trữ quốc gia, được phát miễn phí về các xã, phường để sát trùng. Thuốc này có tác dụng diệt côn trùng cao, sau khi sử dụng cần cách ly dài ngày trước khi trồng lại. Đối với côn trùng 2 cánh, bọ nhỏ thường xuyên cắn phá, các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân dùng lưới ngăn xung quanh nhà trồng.

Nhìn chung, bà con trồng nấm ở Hòa Tiến và nhiều nơi khác tại Đà Nẵng đang chuyển đổi phương pháp trồng từ kinh nghiệm sang khoa học. Để tăng hiệu quả trồng nấm, ThS Dũng khuyên bà con nên mạnh dạn đầu tư máy sàng nguyên liệu dăm, mùn cưa (để loại bỏ dăm nhọn có thể làm hỏng bịch) và nồi hấp thanh trùng nguyên liệu, máy sấy và máy đóng túi.

“Việc sử dụng máy móc để đóng túi, cấy và ươm sợi sẽ khắc phục được ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sự phát triển của giống, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và chủ động điều khiển sự phát triển của nấm” - ông Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Mai Hồng kiến nghị: “Những năm gần đây, nghề trồng nấm đã đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Chúng tôi mong Trung tâm Công nghệ sinh học có loại giống tốt hơn, phù hợp hơn với thời tiết nắng nóng và thay đổi bất thường. Bên cạnh đó, trung tâm có thể hỗ trợ thường xuyên, cập nhật các chủng bệnh mới và kỹ thuật diệt trừ để đảm bảo sản lượng tốt hơn”.