Từ kỹ thuật lựa chọn cây giống, đến kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản chế biến vỏ quế, các kỹ thuật này gắn bó với người dân Trà My như là một kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác.
Công đoạn chọn cây giống theo cách truyền thống
Để lựa chọn được các cây giống quế Trà My tốt nhất bà con dân tộc trong vùng vẫn chọn lọc giống theo 2 cách như sau:
Lựa chọn những cây quế ngoài 20 tuổi sau khi thu hoạch không bị sâu bệnh và có chất lượng quế tốt tiến hành chặt đến sát mặt đất, sau đó lấp đất lên gốc quế vừa chặt. Sau một mùa mưa từ các gốc cây này sẽ mọc lên những cây con và đây là những cây giống được bà con mang đi trồng.
Cách thứ hai là lựa chọn những cây có độ tuổi trên 20 năm, không bị sâu bệnh, có vỏ dày cho hàm lượng tinh dầu cao, có tán rộng, cao và đã ra hoa và quả ổn định từ 3 đến 4 năm sẽ được chọn làm cây giống.
Dọn cỏ giúp cây quế có không gian phát triển. Ảnh: Hoinongdan.
Thu hạt quế từ các cây này, thường thu từ cuối tháng 12, thời gian thu hái rộ nhất là sau Tết Nguyên đán, khi quả chín vỏ thường có mầu tím, thịt quả xốp có mùi thơm, hạt bên trong mầu đen và cứng. Thu hái bằng cách trèo lên cây hái từng chùm, hoặc nhặt hạt rụng dưới gốc. Hạt quế là loại hạt có dầu, khi bảo quản nếu gặp nhiệt độ cao, ẩm độ thấp, ánh sáng trực diện mạnh thì rất dễ bị chảy dầu mất khả năng nảy mầm vì vậy bảo quản hạt giống trong cát ẩm ở nhiệt độ thông thường: độ ẩm của hạt khi đưa vào bảo quản là từ 34 - 35 %.
Hạt bảo quản được đánh thành từng luống, cao không quá 20 cm, bề rộng luống từ 80 - 100 cm, đặc biệt phải chú ý không để hạt bị chiếu nắng hoặc mưa dột. Trong quá trình bảo quản, cứ 3 - 5 ngày đảo lại 1 lượt, nếu cát bị khô phải bổ sung thêm nước (phải sàng tách riêng hạt và cát khi tưới thêm nước). Kiểu bảo quản này có thể duy trì sức sống của hạt 1 tháng với tỷ lệ nảy mầm suy giảm từ 5 - 10 %. Hạt quế sau khi được ủ và nứt nanh, đem gieo trực tiếp vào bầu. Mỗi bầu gieo 2 hạt, sau khi cây mọc tuyển chọn giữ lại 1 cây tốt nhất để đem trồng.
Công đoạn trồng và chăm sóc quế
Quế được trồng từ ngày 15/9 đến 30/11 hằng năm, khi trời đã có mưa nhiều, đất ẩm, thời tiết dịu và để tránh được gió nóng mùa hè. Cần tiến hành trồng vào thời điểm râm mát, mưa nhỏ hoặc nắng nhẹ và đất trong hố phải đủ ẩm.
Dùng cuốc nhỏ hoặc bay đào một hố rộng và sâu hơn chiều dài bầu 1-2 cm ở vị trí giữa hố đã lấp. Xé bỏ vỏ bầu và đặt cây con thẳng đứng vào giữa hố, tránh làm vỡ bầu. Dùng đất tơi xốp lấp đầy hố, lèn chặt xung quanh bầu và vun thêm đất vào gốc cây thành hình mâm xôi, cao hơn mặt đất tự nhiên khoảng 3 - 5 cm. Có thể dùng tay hoặc chân dẫm cho đất chặt, nhưng không để vỡ bầu cây.
Quế được trồng xen trên các dạng lập địa phù hợp, trồng theo rạch, song song với đường đồng mức. Trên mỗi rạch trồng 1 hàng, chú ý để cây che bóng mát cho quế trong giai đoạn từ 3 - 5 năm tuổi, theo kinh nghiệm của dân nếu trồng thuần quế Trà My trên đất mới phát và không có cây che mát quế sẽ chết.
Mật độ trồng quế phụ thuộc vào cường độ và mục đích kinh doanh, ở những nơi có cường độ kinh doanh cao, có khả năng tận thu hết sản phẩm trung gian, mật độ trồng có thể 2.000 - 2.500 cây/ha, nhưng mật độ trồng quế phổ biến chỉ có từ 1.000-2.000 cây/ha.
Một nét đặc thù của bà con dân tộc trong vùng này khi trồng quế là có thể tận dụng bất cứ vùng đất trống nào trên đường đi làm rẫy để trồng quế, vì vậy những cây quế phát triển như những cây tự nhiên xen với các cây khác, đi đến đâu cũng có cây quế mọc, các cây quế này sau khi được trồng 5 đến 6 năm sẽ được đánh dấu tên lên cây để phân biệt quế thuộc sở hữu của ai, tuy nhiên thời gian thu hoạch của những cây quế này thường trên 20 năm.
Sau khi trồng 20 - 30 ngày, nếu tỷ lệ sống đạt d¬ưới 80 % phải trồng dặm. Trong 3 năm đầu nếu tỷ lệ sống hàng năm không đạt 80 % mật độ trồng ban đầu thì phải tiếp tục trồng dặm.
Cây cần được chăm sóc liên tục trong 6 năm, đặc biệt trong 4 năm đầu với việc trồng dặm những cây chết, phát dọn dây leo, cây bụi và cỏ dại xung quanh cây trồng rộng 60 cm, xới đất xung quanh hố với đ¬ường kính rộng 50 cm, sâu 4 – 5 cm và vun gốc.
Khi rừng quế trồng ở độ tuổi 3 - 4, yêu cầu về ánh sáng của quế tăng dần. Ngoài việc phát dọn cây bụi, cỏ dại chen lấn cây trồng, cần phải tiến hành chặt bỏ cây tái sinh phi mục đích che ánh sáng của cây quế.
Từ tuổi thứ 7 trở lên, cây quế cần ánh sáng hoàn toàn. Nếu ở giai đoạn này cây quế bị chèn ép ánh sáng thì sinh trưởng của nó bị giảm rõ rệt. Trong giai đoạn này việc cần thiết là tỉa những cành khô, cành thấp không có khả năng quang hợp.
Giai đoạn rừng quế 15 - 20 tuổi, cây quế có khả năng đạt được chiều cao từ 10 - 15 m và đường kính ngực 20 – 25 cm, có thể tiến hành khai thác quế và bóc được quế kẹp. Cường độ tỉa thưa không vượt quá 30 % số cây trong rừng. Ở tuổi này, quế đã bắt đầu ra quả và dưới tán rừng quế đã bắt đầu xuất hiện cây tái sinh bằng hạt, cần tiến hành các biện pháp kỹ thuật nhằm nuôi dưỡng cây quế cùng các loài cây khác để tái lập rừng hỗn giao.