Nổi bật trong số đó, có một cái tên rất lạ: Con tôm rừng Cà Mau, một dự án khởi nghiệp nhỏ xíu ở vùng xa lắc. Báo Khoa Học & Phát Triển bắt được Phạm Thành trên Facebook và có cuộc “chat chit” ngẫu hứng...
Phạm Xuân Thành và nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, người hướng dẫn chế biến các món ăn từ tôm rừng Cà Mau. Ảnh do nhân vật cung cấp
Không lo ở nhà bán tôm mà chạy qua tận Thái Lan chi vậy?
Tôi biết đến Thaifex là hội chợ lớn nhất Thái Lan, quy mô quốc thế, tổ chức 1 năm 1 lần và rất nhiều nước trên thế giới tham gia, chuyên về các sản phẩm liên quan đến thực phẩm, chắc chắn mình sẽ học hỏi được rất nhiều từ hội chợ lần này. Sau đó biết bên Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh Hỗ trợ Doanh nghiệp BSA và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao có tổ chức tham gia cho các doanh nghiệp Việt Nam nên quyết định tham gia với mục đích đi để tham quan và học hỏi.
Chà, quyết định “ra thế giới” luôn hả? Chuẩn bị cho hành trình này như thế nào?
Với một doanh nghiệp mới khởi nghiệp như tôi, không nhận được sự hỗ trợ chi phí từ nguồn nào thì không thể thuê một gian hàng ở hội chợ này. BSA có một gian hàng gọi là ngôi nhà chung, tại ngôi nhà chung này sẽ trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý Việt Nam, sản phẩm là nông đặc sản. Tôi được hỗ trợ từ để trưng bày sản phẩm Con Tôm Rừng ở khu vực sản phẩm tự nhiên. Tại đây được một không gian trưng bày sản phẩm và giới thiệu sản phẩm của mình. Còn tất cả chi phí là tự túc.
Trưng bày và giới thiệu hàng có vui không?
Rất vui, cũng như ở Việt Nam thì rất nhiều người chỉ biết đến tôm biển hoặc tôm sông, khi nói đến tôm rừng thì họ đều thích thú. Khó khăn lớn trong việc giới thiệu là phải nói bằng tiếng Anh, ban đầu hơi ngại và bỡ ngỡ vì lần đầu tiên tiếp xúc với môi trường quốc tế và giới thiệu bằng tiếng Anh.
Tiếng Anh của tôi có hạn chế nhưng vẫn cố gắng giới thiệu sản phẩm để mọi người hiểu sự khác biệt của sản phẩm. Khách ở nhiều nước khác nhau dùng thử đều khen ngon, nhiều người muốn mua sản phẩm nhưng quy định của ban tổ chức hội chợ là không được bán và mình cũng chỉ mang một ít sản phẩm để trưng bày thôi.
Món ăn trưng bày tại hội chợ.
Nghe hấp dẫn quá. Giờ kế hoạch dài hạn là làm gì?
Tiếp tục bán hàng. Doanh nghiệp làm ra sản phẩm thì kế hoạch là bán hàng và làm sao bán được nhiều sản phẩm. Rất nhiều người hỏi sản phẩm của tôi có xuất khẩu không. Tôi hiện không có kế hoạch xuất khẩu cho sản phẩm của mình, không có ý định cạnh tranh trên thị trường quốc tế ở thời điểm này vì tại Việt Nam, người dân mình vẫn đang có nhu cầu về sản phẩm, thị trường mình có nên đang tập trung vào thị trường mình dễ tiếp cận nhất.
Nếu ai đó có để ý thì bao bì sản phẩm của tôi không có tiếng Anh, chỉ dùng tiếng Việt thôi. Hiện tại đang hoàn thiện hơn về bao bì sản phẩm và hệ thống logistic của mình để phân phối được ở TP.HCM và Hà Nội. Kế hoạch dài hạn phải nói đến Con Tôm ecohomestay nữa, mô hình du lịch kết hợp với Con Tôm Rừng.
Hãy kể 3 thứ học được từ việc “đi một ngày đàng” này thử xem?
Điều đầu tiên, mình xác định qua bên đây là học về bao bì sản phẩm. Đã từng qua Thái Lan một lần và thấy bao bì ở đây rất đẹp, qua lần thứ hai vẫn muốn tìm hiểu về bao bì. Thứ hai là cách tổ chức hội chợ, tôi tham gia nhiều hội chợ, đi bán hàng hay đi tham quan nhiều nơi ở Việt Nam nhưng lần đầu tham gia hội chợ quốc tế thì cách tổ chức, trưng bày gian hàng rất hay. Thứ ba là cách làm sản phẩm, ở Thái Lan có một sản phẩm rất hay là bánh snack từ đầu và chân tôm, đây được xem là phụ phẩm của mình trong quá trình sản xuất, họ làm bánh snack rất ngon, cả gia vị món ăn từ tôm nữa.
Giờ đem những thứ học được về sẽ làm gì?
Thứ nhất là hoàn thiện hơn về bao bì. Hiện tại có nhiều sản phẩm khác có thể làm từ tôm nhưng hiện tại chưa phải thời điểm để làm. Hiện tại tập trung vào phát triển các sản phẩm tôm khô và tôm đông lạnh trước, sau đó sẽ phát triển các sản phẩm chế biến từ tôm.
Tưởng tượng 5 năm nữa Con Tôm sẽ như thế nào?
Khi bắt đầu Con Tôm Rừng thì tôi nghĩ sẽ cố gắng làm để thương hiệu mình sống được 1 năm. Bây giờ là gần 2 năm, nó khác rất nhiều so với điều mình nghĩ ban đầu nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó. Nói tới 5 năm nữa thì tôi hy vọng mình vẫn tiếp tục làm và phát triển Con Tôm Rừng. Sẽ có nhiều cái hay ho hơn nữa với Con Tôm Rừng. Tôi không quan trọng về số lượng mà là chất lượng, có nghĩa là sau 5 năm nữa, thị trường của mình có thể lớn hơn không nhiều, không xuất khẩu nhưng sẽ có nhiều sản phẩm, nhiều mô hình làm với Con Tôm Rừng và nhiều người biết và hiểu rõ về Con Tôm Rừng ở Việt Nam thôi. Quan niệm của tôi là sản phẩm truyền thống của Việt Nam phải đến với người tiêu dùng Việt Nam trước đã.
Quên mất, Thành giới thiệu mình lại từ đầu đi?
Tôi tên là Phạm Xuân Thành, 27 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM, chuyên ngành quy hoạch vùng và đô thị năm 2014. Sau 2 năm đi làm thì quyết định thành lập công ty vào tháng 9/2016. Với ý định về quê, gắn liền với các sản phẩm địa phương và phát triển tài nguyên địa phương của mình. Gia đình có 30 năm kinh nghiệm trong việc trồng rừng và nuôi tôm, đây là nền tảng để tôi phát triển mô hình Con Tôm Rừng hiện tại.
Cảm ơn cuộc trò chuyện và chúc mừng Con Tôm Rừng đi học thành công.