Cá chạch lấu (mastacembelus favus) là loài cá bản địa, có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Hiện nay, phong trào nuôi cá chạch lấu đang phát triển nhanh tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và Vĩnh Long…

Hiện thể tích nuôi cá chạch lấu trên 1.000m3, diện tích ao nuôi hơn 25.000m2 với sản lượng hằng năm cung cấp trên 10 tấn sản phẩm cho thị trường tiêu thụ nội địa. chính vì thế nên nhu cầu các chạch lấu giống ngày càng tăng, nguồn giống khai thác chủ yếu từ tự nhiên nên sản lượng các chạch lấu trong tự nhiên ngày càng sụt giảm và sản lượng cá thương phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Mặc dù quy trình sinh sản nhân tạo cá chạch lấu đã được nghiên cứu thành công và áp dụng sản xuất tại một số địa phương nhưng số lượng cá giống nhân tạo sản xuất còn hạn chế. Theo thống kê của các chi cục thủy sản thì số lượng cơ sở sản xuất giống cá chạch lấu rất ít, khoảng 5 cơ sở, tuy nhiên con giống vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm ở các địa phương do tỷ lệ sống ương từ các bột lên các giống (giai đoạn 7-10cm/con) còn rất thấp chỉ đạt khoảng 5-20%.

Cá chạch lấu giống Nguồn: Agriviet.com

Nguyên nhân là ở giai đoạn này cá rất dễ nhiễm bệnh, mẫn cảm với môi trường thời tiết thay đổi và rất mẫn cảm với các loại thuốc, hóa chất nên công tác trị bệnh thường không mang lại hiệu quả. Trước thực trạng này, KS Trần Văn Danh – Trung tâm giống nông nghiệp Vĩnh Long – đã đề xuất “Cải tiến phương pháp nuôi cá bố mẹ, kỹ thuật sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá chạch lấu”.

Theo KS Trần Văn Danh, điểm sáng tạo của kỹ thuật này là tận dụng điều kiện môi trường ao nuôi, bể nuôi, vèo nuôi và thao tác kỹ thuật đơn giản đáp ứng các điều kiện sinh thái và môi trường nuôi tối ưu để chúng có thể thành thục sinh dục, sinh sản, sinh trưởng và phát triển tốt nhằm hạn chế rủi ro, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ được sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, và được nuôi vỗ trong vèo giúp khắc phục được tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng bởi cá tạp trong ao và điều kiện môi trường thay đổi, đồng thời rút ngắn thời gian nuôi vỗ từ 1-1,5 tháng (trước đây 1 vụ ương giống thường từ 4-5 tháng nay chỉ còn 3,5-4 tháng).

Từ năm 2015 đến nay nhờ cải tiến những phương pháp nuôi vỗ, kỹ thuật sinh sản nhân tạo và ương nuôi nên sản xuát của Trại giống thủy sản Vĩnh Long (đơn vị áp dụng) đã đạt từ 130.869 con đến năm 2017 là 1 triệu con cá bột. Số lượng cá bột, cá giống này đã được bán cho các hộ nuôi ở các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ và bước đầu khẳng định được chất lượng cá bột, cá giống của đơn vị với giá thành sản xuất giảm, tỷ lệ sống của cá bột đạt 80-95%, không có hiện tượng cá bột chết hàng loạt.

KS Danh mong muốn trong thời gian tới khi kỹ thuật này được nhân rộng và phổ biến sẽ khắc phục hiện tượng treo ao hiện nay, giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội và góp phần đa dạng hóa đối tượng thủy sản, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Đề tài đoạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 năm 2017.