Vừa qua, tại Sở KH&CN tỉnh Hà Giang, đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ giảm thủy phần nâng cao chất lượng, giá trị mật ong bạc hà Cao nguyên đá Hà Giang”.


Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh gồm 9 thành viên, đồng chí Phạm Minh Giang - Chủ tịch hội đồng, chủ trì hội nghị; khách mời gồm một số sở, ban ngành chức năng của tỉnh; lãnh đạo phòng chuyên môn của Sở KH&CN; Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng; về phía đơn vị chủ trì thực hiện đề tài là Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, do TSTrần Quốc Toàn làm chủ nhiệm đề tài, cùng một số cộng sự.

Trong thời gian thực hiện đề tài từ tháng 10/2016 đến 10/2017, chủ nhiệm đề tài đã thực hiện được một số kết quả như: Xây dựng quy trình kiểm tra, phân tích đánh giá một số chỉ tiêu chất lượng mật ong bạc hà Hà Giang. Kết quả phân tích cho thấy mật ong bạc hà Hà Giang có màu sắc vàng xanh, mùi vị thơm ngon đặc trưng, trạng thái lỏng quánh. Các chỉ tiêu định lượng và định tính đạt hầu hết các tiêu chuẩn của Dược Điển Việt Nam IV và tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5267: 1990. Riêng chỉ có chỉ tiêu về hàm lượng nước (thủy phần) trong các mẫu mật ong đều khá cao (21-24%); xây dựng quy trình, thiết kế, chế tạo và lắp đặt thành công hệ thống dây chuyền thiết bị hạ thủy phần mật ong sau đó chuyển giao cho đơn vị tiếp nhận công nghệ là HTX Tuấn Dũng, huyện Mèo vạc. Kết quả cho thấy quy trình và hệ thống thiết bị vận hành ổn định, tiết kiệm năng lượng, thao tác dễ dàng, thời gian vận hành mỗi mẻ sản xuất ngắn (40-50 phút/mẻ), có thể vận hành liên tục; xây dựng tài liệu hướng dẫn vận hành quy trình, dây chuyền thiết bị; đào tạo 03 cán bộ vận hành cho HTX Tuấn Dũng; chạy thử nghiệm đánh giá độ ổn định quy trình công nghệ. Từ 589 kg nguyên liệu mật ong đầu vào có thủy phần trung bình 24,2% đã tạo ra 549,8 kg sản phẩm mật ong đầu ra có thủy phần trung bình đạt 18,5%. Sản phẩm mật ong sau hạ thủy phần vẫn giữ nguyên tính chất đặc trưng. Các kết quả kiểm định tại các cơ quan độc lập cho thấy sản phẩm mật ong sau khi hạ thủy phần đạt được đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn Dược Điển Việt Nam IV; HTX Tuấn Dũng đã sản xuất thực tế 9363 kg mật ong sau khi tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Kết quả cho thấy, các thông số kỹ thuật vận hành đều phù hợp với các thông số chuyển giao. Khối lượng sản phẩm thu được là 8647 kg, giá bán sản phẩm sau khi hạ thủy phần cao hơn 10-20%. Đề tài được chuyển giao cho HTX Tuấn Dũng tiếp quản. Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài và xếp loại Khá.