Xác nhận là khởi nghiệp Vũng Tàu quá xịn: một ông tiến sĩ thương mại hóa thành công máy lọc nước biển cho tàu cá, một ông giám đốc bệnh viện làm ra cái phòng khám mắt di động…
Ít khi nào, đi chấm thi một cuộc thi khởi nghiệp ở địa phương, mà sự hồ hởi của ban tổ chức, khách mời, thí sinh và giám khảo bùng nổ đến mức gần 2 giờ chiều vẫn chưa thi xong…
“Cây khởi nghiệp” đã lớn
Ba năm trước, khi cuộc họp đầu tiên của Sáng kiến Cố vấn Khởi nghiệp Việt Nam – VMI diễn ra ở Vũng Tàu, chúng tôi gặp ông Mai Thanh Quang – giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Quang không phải là khách mời của chương trình này, nhưng vẫn tìm đến, và nói một điều rất nhẹ nhàng: “Các anh chị ráng giúp Vũng Tàu, chúng tôi còn chưa kịp có hệ sinh thái nữa…”. Sau đó, ở bất kỳ cuộc gặp nào của cộng đồng khởi nghiệp, cũng thấy ông Quang và chị Ngọc Trần – của Văn phòng Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, xuất hiện. Có khi lặng lẽ chẳng nói gì, chỉ chú tâm ghi chép, có khi lên tiếng thì chỉ nói về những điều vướng mắc, khó khăn, mà nhiều nhất là nhà đầu tư và cố vấn…
Ba năm sau, ông Quang rủ xuống chấm thi chung kết cuộc thi khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2018-2019, thật sự bất ngờ. Không phải chỉ vì cuộc thi được tổ chức bài bản, kéo dài qua cả hai năm với rất nhiều vòng huấn luyện, mà là vì nó đi kèm với nguyên một đề án của tỉnh. Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019 – 2025” với những nội dung cụ thể, rõ ràng, sát sườn và… chính xác về kinh phí: sở hữu trí tuệ, thủ tục tiêu chuẩn – quy chuẩn chất lượng, chuyển giao công nghệ, sử dụng cơ sở kỹ thuật chung, hoàn thiện sản phẩm… Một thành viên ban giám khảo nói vui, là đọc xong cái đề án, cũng muốn xuống Vũng Tàu để khởi nghiệp luôn.
Cuộc thi diễn ra rất vui, vì đủ màu sắc và thành phần. Ấn tượng lắm, khi thấy một chú đại tá của bộ đội biên phòng đứng nói: “Tôi giờ cởi áo lính, xin được tiếp tục làm người chiến đấu cho sự nghiệp khởi nghiệp, góp sức mình cho nền kinh tế”. Ông nói xong, đứng trên sân khấu, cởi luôn tấm áo lính gắn đầy huân chương của mình để bắt đầu giới thiệu dự án “Hố thu nước thải mặt đường, hộ gia đình, nơi công cộng với nhiều tác dụng, kích thước, lắp đặt được nhiều vị trí và nhiều đối tượng sử dụng”. Ông Mai Thanh Quang rời ghế giám khảo, lên giúp ông Bùi Đức Thịnh tranh luận về kỹ thuật và sáng tạo của sản phẩm này, thiệt là vui.
Tương tự như vậy, bác sĩ Nguyễn Viết Giáp giám đốc bệnh viện mắt Bà Rịa - Vũng Tàu lên thi, với dự án “Xe thị giác lưu động”. “Chúng tôi không rành mấy về tài chính và công nghệ, nhưng mấy mươi năm trong nghề mắt, tôi hiểu rằng học sinh ở các vùng quê xa xôi không có điều kiện tiếp cận hệ thống đo khám mắt và đeo kính cho đúng độ, nên làm ra cái xe, mang một tiệm kính tốt nhất đến những vùng xa… Giám khảo hỏi: “Nhỡ thi rớt thì bác có làm cái xe này không?” – “Nhất định là phải làm rồi, nhu cầu là có thực, và trách nhiệm của chúng tôi là rất lớn”. Khi dự án đoạt giải nhì, chúng tôi nói vui: “Vậy là cuộc thi đã hùn vốn được hai cái bánh xe cho chuyến xe thị giác lưu động của bác rồi nhé…
Từ phòng nghiên cứu đến thị trường
Dự án đoạt giải nhất trị giá 50.000.000 đ cùng chuyến tham quan hệ sinh thái khởi nghiệp Singapore đã thuộc về dự án “Máy lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá” của Công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt do anh Trần Thái Sơn, giám đốc đại diện trình bày. Sơn là thạc sĩ, cả đời chỉ nghiên cứu câu chuyện này. Ít khi nào có thí sinh đi thi mà giám khảo làm khó cỡ nào cũng trả lời trôi chảy, vì nó chính là cuộc sống của anh. “Tàu cá của xứ mình, ra khơi thì mang theo nước ngọt đủ để uống, nhưng để trong thùng nhựa thì chòng chành và rớt ra những hạt vi nhựa rất độc. Nhưng chạy điện để lọc nước thì là một cơn ác mộng với giới kỹ thuật vì không ổn định điện thì máy hư liên tục. Đó là câu chuyện của 10 năm nay. 10 năm, để chúng tôi dám thương mại hóa hoàn toàn sản phẩm của mình, vì đã thiết kế xong động cơ bằng dầu diesel, ổn định hệ thống lọc nước biển thành nước sạch”. Anh kể, tất cả các loại máy móc, công nghệ liên quan đến chuyện này trên thế giới, anh đều có ở xưởng của mình, và tin rằng giải pháp của mình là phù hợp nhất với ngư dân Việt Nam…
Giống như hầu hết các cuộc thi khởi nghiệp ở các địa phương, vốn phần nhiều dựa trên tài nguyên bản địa, ban giám khảo được mời nếm thử rất nhiều sản phẩm: sô cô la vừa giành giải nhì cuộc thi thế giới, đang chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật của thương hiệu Bapula, sữa chua yến sào của một người con Vũng Tàu xa xứ, trái cây sấy của tập thể giảng viên nữ trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, cà phê và bánh ngọt của chuỗi cửa hàng đầy tham vọng cạnh tranh với thế giới… Ngon và lành, cải thiện đời sống của nông dân bằng việc cho thêm những ứng dụng công nghệ cao hoặc gia tăng khả năng thương mại hóa, chuỗi hóa…
Chặng đường 8 tháng của cuộc thi quả là dài, và sâu, để những giọt nước mắt của người thi và người cố vấn chảy dài trong cái ôm rất chặt của lúc nhận giải, để những báo cáo khảo sát kỹ thuật rất cẩn thận của ban tổ chức được cân lên đặt xuống, sữa chữa và nâng cấp sản phẩm nhiều lần trước vòng chung kết. Và chúng tôi biết, cây khởi nghiệp ở đây, đã lớn.