Vừa qua, Sở KH&CN Nam Định đã tổ chức hội nghị tư vấn, đánh giá hồ sơ đề tài “ Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp KH&CN nhằm xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh Nam Định”.
Tham dự hội nghị có các đồng chí là thành viên Hội đồng theo Quyết định 225/QĐ-SKHCN của Giám đốc Sở KH&CN ngày 12/4/2019; các đồng chí là lãnh đạo: Sở Văn hóa, TT&DL; LĐ -TBXH; Công thương; Xây dựng; Giao thông; GD&ĐT; Tài chính; KH&ĐT; Nội vụ; Mặt trận tổ quốc tỉnh; KH&CN; UBND các huyện, TP, văn phòng 7 - văn phòng UBND tỉnh; Chủ nhiệm đề tài, các thành viên tham gia thực hiện đề tài và một số đơn vị liên quan.
Phát biểu tại hội nghị, Đồng chí Mai Thanh Long - Giám đốc sở KH&CN - Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt nội dung đề tài “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp KH&CN nhằm xây dựng NTM tỉnh Nam Định”. Theo đó Đề tài thuộc lĩnh vực KHXH&NV, dự kiến thực hiện 12 tháng, từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2020. Luận giải về sự cần thiết,tính cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài, Đồng chí Chủ nhiệm đề tài nêu rõ, xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Tỉnh Nam Định được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu về xây dựng NTM, có nhiều đóng góp về phương pháp, cách làm hay, mô hình hiệu quả. Xác định được xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất Đề tài trên với 5 nội dung chính bao gồm:
Nội dung 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng NTM
Với nội dung này, nghiên cứu đã tổng kết kinh nghiệm của một số nước phát triển nông thôn và rút ra những bài học có thể áp dụng vào thực tiễn Việt Nam. Việc nghiên cứu xây dưng NTM sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được tính phù hợp của chương trình. Từ đó xây dựng và đề xuất các chính sách phù hợp cho phát triển nông thôn bền vững. Đồng thời việc nghiên cứu cũng chỉ ra những thành tựu cũng như những tồn tại mà các chương trình phát triển nông thôn đã triển khai trong thực tiễn.
Nội dung 2: Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng NTM tại tỉnh Nam Định
Nội dung này sẽ tập trung đánh giá về công tác xây dựng NTM ở các khía cạnh như: Quá trình thực thi để đạt được các tiêu chí xây dựng NTM và một số ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế, chính trị, VH-XH. Bên cạnh đó nhận thức của người dân, đội ngũ cán bộ sơ sở trong việc xây dựng NTM, công tác huy động nguồn lực địa phương….
Nội dung 3: Một số giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn NTM tại tỉnh Nam Định.
Nội dung 4: Xuất bản cẩm nang hướng dẫn xây dựng NTM
Nội dung 5: Xây dựng Website quản lý và điều hành xây dựng NTM.
Từ những nội dung nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu sẽ cho ra 2 sản phẩm chính bao gồm: Cẩm nang hướng dẫn về xây dựng NTM và website quản lý và điều hành xây dựng NTM. Đề thực hiện được Đề tài trên, Nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực tế tại các xã, huyện trong tỉnh, các xã, huyện trên toàn quốc từ đó chọn lọc những kinh nghiệm hay nhất để xây dựng đề tài và những nội dung đó phải phù hợp với địa phương. Từ đó sản phẩm đề tài sẽ là bài học kinh nghiệm giúp các xã, huyện trong tỉnh xây dựng nông thôn mới, đồng thời giúp phục vụ Lãnh đạo tỉnh quản lý quá trình xây dựng NTM của tỉnh.
Phát biểu nhận xét, đánh giá về Đề tài, các đại biểu là thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tính mới, hay và khả thi của Đề tài. Nhóm nghiên cứu đã có những nghiên cứu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,… Hướng nghiên cứu phù hợp, các chương, mục logic rõ ràng, nêu được nhiều nghiên cứu, lý luận, giải quyết được khối lượng lớn công việc, với mục tiêu rõ ràng, kết quả phong phú,đáp ứng được yêu cầu, thể hiện được sự cần thiết; mô tả đầy đủ, thành công của đề tài; là đề tài đầu tiên đánh giá được tình trạng,cũng như tác động của NTM trên cả nước. Kết quả của đề tài sẽ là kho tư liệu của tỉnh trong thời gian tới. Đối với tổ chức thực hiện, Hội đồng cũng đánh giá là những người có năng lực, có kinh nghiệm quản lý nhiều đề tài khoa học triển khai trên toàn quốc.
Tuy nhiên một số nội dung cần ngắn gọn hơn nữa; cần bổ sung thêm thông tin phần thực trạng xây dựng NTM từ 2015 đến nay; nên thống nhất số liệu so sánh phân tích về thời gian; cần thống nhất nghiên cứu giải pháp theo hướng NTM kiểu mẫu hay NTM nâng cao. Cuối cùng các thành viên Hội đồng hoàn toàn nhất trí để triển khai Đề tài.