Trong khuôn khổ hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre năm 2019, Sở KH&CN phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển thương hiệu”.

Mục tiêu hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hộ, phát triển về tài sản trí tuệ nói chung; bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương. Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù, truyền thống của tỉnh Bến Tre, để hướng tới một nền nông nghiệp sạch và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, cải thiện thu nhập và đời sống của người nông dân.


Hội thảo đã tập trung các nội dung về thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Thực trạng và giải pháp phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản Bến Tre; Giải pháp quản lý, khai thác các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý; Một số vấn đề quan tâm về thực thi quyền đối với nhãn hiệu; Thực trạng và định hướng quản lý, khai thác, phát triển nhãn hiệu tập thể “Lúa sạch Thạnh Phú” và “Cây giống và Hoa kiểng Cái Mơn”...

Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo, lãnh đạo Sở KH&CN cho biết từ năm 2011 đến nay Sở KH&CN đã hỗ trợ tra cứu cho các tổ chức doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên 500 lượt, tiếp nhận trên 436 đơn các loại, từ nguồn kinh phí dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013-2020 đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để xây dựng và phát triển trên 20 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Giải pháp để phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới cần chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp, phát triển thương hiệu cần gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức tập thể, người dân nhằm tạo sự ổn định và bền vững.

Tại hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc của các nhà khoa học, các hợp tác xã, doanh nghiệp xoay quanh chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu”. Ngoài ra, hội thảo là cơ hội gặp gỡ giữa các chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp chủ lực, doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã,… trong sản xuất nông nghiệp nói chung nhằm tìm ra những giải pháp cần thiết, phù hợp, cũng như định hướng để nâng cao hiệu quả trong xây dựng và phát triển các thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là gắn với thế mạnh của tỉnh như cây dừa, cây bưởi, sầu riêng, chôm chôm và hoa kiểng, từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trong thời gian tới.