Đây là hội thảo do Sở KH&CN giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN phối hợp cùng Thành đoàn Hải Phòng tổ chức vừa qua tại quận Dương Kinh.

Tham dự hội thảo có đại diện Sở KH&CN; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thành đoàn Hải Phòng, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã; đại diện Ủy ban nhân dân các quận huyện, xã, phường; các chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và đông đảo Đoàn viên thanh niên tiêu biểu trên địa bàn thành phố.


Tại hội thảo, PGS.TS Trần Văn Hải - Trưởng Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã giới thiệu đến các đại biểu nhiều nội dung quan trọng như: tổng quan về Sở hữu trí tuệ, các nguyên tắc bảo hộ, phân biệt nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu…

Theo TS Hải, tính đến 30/11/2018, Hải Phòng có 66 nhãn hiệu tập thể và 3 nhãn hiệu chứng nhận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp, phần lớn nhãn hiệu được thành phố hỗ trợ đăng ký, điều này thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với các sản phẩm của địa phương. Tuy nhiên, nếu không nắm vững nguyên tắc bảo hộ thì có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn khi xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài như đã xảy ra với cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, thuốc lá Vinataba…

Phân tích hiện trạng khai thác 3 nhãn hiệu chứng nhận của Hải Phòng: Catba Archipelago Biosphere Resver Haiphong - Vietnam (Sở Du lịch Hải Phòng); Sản xuất tại Cát Hải (Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng); Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng Tiên Lãng (UBND huyện Tiên Lãng), TS. Hải đề cao vai trò của cơ quan nhà nước là chủ sở hữu của nhãn hiệu và các phòng, ban, cá nhân được phân công quản lý nhằm mang lại lợi ích hài hòa cho người trực tiếp sản xuất, qua đó tránh việc can thiệp tiêu cực của các tổ chức kinh tế chạy theo lợi nhuận. Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chứng nhận nhãn hiệu, phải làm nổi bật vai trò của chủ sở hữu trong việc vận hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu, qua đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, sản phẩm, có kế hoạch quảng cáo, giới thiệu, nhận diện thương hiệu và liên kết hình thành chuỗi sản xuất - trung gian - người tiêu dùng…

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, ông Đoàn Xuân Huy - Founder kiêm CEO sàn Thương mại điện tử GCAECO giới thiệu về chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm sạch giao dịch tại thị trường Việt Nam sử dụng công nghệ Blockchain truy xuất nguồn gốc. GCAECO là kênh bán hàng miễn phí và là nơi liên kết người nông dân, hợp tác xã, nhà phân phối, hộ kinh doanh với người tiêu dùng trên cả nước, hướng tới trở thành một thành viên uy tín nằm trong hệ sinh thái Quốc tế “Nông nghiệp sạch toàn cầu - GCA”.