Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và khai thác nguồn gen bưởi bốn mùa (Citrus grandis L.) tại lưu vực sông Đáy, Hà Nội” do thạc sỹ Nguyễn Thị Xuyến - Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, làm chủ nhiệm và vừa được Hội đồng Khoa học thành phố Hà Nội nghiệm thu đạt loại khá.
Quả bưởi bốn mùa. Nguồn: Trung tâm Tài nguyên thực vật
Theo báo cáo đề tài, bưởi bốn mùa có đặc điểm lá màu xanh đậm, mặt trên lá có màu đậm hơn mặt dưới; hoa nở bốn mùa trong năm với kích thước lớn, màu xanh, mùi rất thơm và mọc thành chùm, mỗi chùm có từ 2-6 hoa mọc cách xa nhau, chủ yếu ở đỉnh ngọn.
Bưởi bốn mùa khi thu hoạch chính vụ (15/8 âm lịch) có vị dôn dốt chua, gần giống với giống bưởi Năm Roi nhưng múi và tép róc và ráo hơn; tép bưởi khi chín màu hồng đào. Đặc biệt, giống bưởi bốn mùa có rất ít hạt, những quả ra trái vụ thậm chí là không hạt song vị chua cũng rõ hơn.
Thời gian mang quả dao động từ 185-210 ngày với đặc điểm quả dạng hình cầu, vỏ màu vàng tươi, trọng lượng từ 1,7-2kg, chiều cao quả từ 20-22cm, đường kính 16-18cm, mỗi quả thường có từ 16-18 múi, độ brix (tỷ phần trăm giữa khối lượng đường saccharose và khối lượng dung dịch nước đường) đạt 9-10%. Hàm lượng tinh dầu khá cao (6,87%).
Với những đặc điểm nông sinh học đó, bưởi bốn mùa được đánh giá là một trong những nguồn gene quý thuộc ngân hàng gene cây trồng quốc gia cần được bảo tồn.
Đề tài đã sử dụng phương pháp sinh dưỡng - chiết cành truyền thống và tạo được vườn cây giống gốc với 17 cây mang đầy đủ các đặc điểm sinh di truyền của giống bưởi bốn mùa. Những cây này được trồng tại 7 hộ dân thuộc 3 thôn: Ninh Sơn, Tràng An, Giáp Ngọ thuộc xã Chúc Sơn, Chương Mỹ và đã được định vị GPS.
Bên cạnh đó, đề tài cũng đã xây dựng được vườn ươm với 680 cây được nhân giống từ cây giống gốc và trồng mới 650 cây không tập trung tại 3 xã Chúc Sơn, Nam Phương Tiến, Trần Phú của huyện Chương Mỹ với tỷ lệ sinh trưởng tốt từ 65-67,4%. Đây là cơ sở để phát triển và nhân rộng giống bưởi bốn mùa quý này.