Gạo Điện Biên là sản phẩm được tách vỏ trấu và tách cám từ lúa bao gồm hai giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7. Nó được sản xuất tại vùng lòng chảo Điện Biên thuộc tỉnh Điện Biên.

Điện Biên là tên của một tỉnh nằm ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam. Địa danh “Điện Biên” ra đời từ năm 1841 do vua Thiệu Trị đặt tên, “Điện” có nghĩa là vững chãi, “Biên” có nghĩa là vùng biên giới.

Điện Biên có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, mức độ chia cắt ngang và chia cắt sâu lớn; được cấu tạo bởi những dãy núi cao và các thung lũng, sông suối nhỏ, hẹp và dốc phân bố khắp nơi trong địa bàn tỉnh. Xen giữa núi và cao nguyên là các thung lũng hoặc lòng chảo có bề mặt tương đối bằng phẳng, những dạng địa hình này chiếm phần diện tích không lớn. Đáng chú ý nhất là lòng chảo Điện Biên Phủ rộng khoảng 150.000 ha với bề mặt bằng phẳng, có nguồn gốc tích tụ trầm tích tạo nên cánh đồng Mường Thanh. Đây là cánh đồng rộng nhất trong 4 cánh đồng vùng Tây Bắc với diện tích hơn 4.000 ha lúa nước.

Điện Biên gắn với chiến tích lịch sử của dân tộc Việt Nam, ở đó quân và dân Việt Nam đã lập nên một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm - chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến công vang dội này đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945-1954) của nhân dân Việt Nam. Vượt ra khỏi phạm vi dân tộc, chiến thắng Điện Biên Phủ còn mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, đưa Điện Biên Phủ không chỉ trở thành một cái tên gắn với niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn là cái tên quen thuộc đối với người dân yêu chuộng hòa bình thế giới.


Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” là gạo, được tách vỏ trấu và tách cám từ lúa: Bao gồm hai giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7 được sản xuất tại vùng lòng chảo Điện Biên thuộc tỉnh Điện Biên. Gạo được chế biến và đóng gói tại tỉnh Điện Biên.

Gạo là một thực phẩm phổ biến đối với con người, đặc biệt là đối với người dân Việt Nam. Xét trên khía cạnh thương mại, người tiêu dùng thường quan tâm đến hai yếu tố về chất lượng, bao gồm: Phẩm chất thương mại và phẩm chất dinh dưỡng. Theo đó, phẩm chất dinh dưỡng của gạo thường được đánh giá trên các chỉ tiêu dinh dưỡng là: Protein và các hàm lượng khoáng vi lượng, vitamin. Còn đối với phẩm chất thương mại bao gồm các yếu tố như: Chiều dài hạt gạo, hàm lượng amylose, độ bền gel, mùi thơm.

Xét trên thị hiếu thương mại trong thời gian vừa qua, người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng thương mại hơn là chất lượng dinh dưỡng, đặc biệt là các tiêu chí về độ dẻo, độ thơm của sản phẩm.

Gạo Điện Biên được đánh giá trên những yếu tố tổng hợp, bao gồm cả chất lượng dinh dưỡng và chất lượng thương mại của gạo. Việc xác định yếu tố để đánh giá chất lượng đặc thù của gạo Điện Biên dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản đó là:

- Xác định những chỉ tiêu chất lượng thương mại, được đưa vào quá trình hình thành giá và sự lựa chọn của người tiêu dùng.

- Trên cơ sở đó lựa chọn những chỉ tiêu chất lượng dinh dưỡng để phân tích, kiểm tra sự khác biệt về chất lượng của sản phẩm.