Khi nhắc tới "quà quê", chắc hẳn trong mỗi người đều gợi lên một điều gì đó rất đỗi ngọt ngào, thân thương. Tuổi thơ của mỗi người, ai mà chẳng có lần háo hức đợi mẹ đi chợ về mua cho cái kẹo hay chiếc bánh… Quà quê là những món ăn nhẹ nhàng mang hương vị đặc trưng cho mỗi một vùng đất, mà khi nhắc tới món ăn người ta sẽ nhớ ngay đến địa danh đi cùng. Trong những món "quà quê" đầy ý nghĩa đó, không thể không nhắc tới bánh nhãn Hải Hậu - được làm ra từ những sản vật quen thuộc của vùng đất phù sa màu mỡ ven biển Nam Định.
Không rõ xuất hiện từ bao giờ, nhưng hiện nay bánh nhãn Hải Hậu được làm phổ biến tại các hộ gia đình ở thị trấn Yên Định (Hải Hậu) và một vài hộ ở các xã xung quanh. Tên gọi “bánh nhãn” là do người dân địa phương đặt ra theo hình dạng và màu sắc của loại bánh này.
Thực tế, nguyên liệu để làm ra bánh chỉ có bột nếp, trứng gà, đường kính, mỡ lợn. Bột nếp sau khi trộn với trứng gà sẽ được những người thợ làm bánh vê thành từng viên nhỏ và đem chiên trong chảo ngập mỡ. Sau khi chiên giòn, bánh được cho vào trộn với đường trắng đã nấu chảy để đường bọc bên ngoài.
|
Bánh nhãn được chiên trong mỡ lợn trên bếp củi. |
Mặc dù nguyên liệu không nhiều và quá trình chế biến cũng ít công đoạn, nhưng để làm ra được thứ bánh vừa thơm, vừa bùi lại giòn và bắt mắt, người thợ làm bánh phải khá cầu kỳ. Loại gạo để làm bánh phải là gạo nếp trồng trên đất Hải Hậu, khi xay bột phải xay nhuyễn. Trứng dùng để nhào bột phải là trứng gà ta thơm ngon.
Theo bà Mỳ (một người làm bánh lâu năm ở xóm Giáp Nội, xã Hải Bắc, Hải Hậu): “Để bánh thật sự thơm ngon phải dùng mỡ lợn để chiên bánh, không được dùng dầu ăn hay các loại mỡ khác. Trong quá trình chiên bánh phải được đun bằng bếp củi. Người thợ cũng phải hết sức chú ý trong quá trình chiên để đảm bảo độ giòn và màu sắc của bánh. Khi trộn bánh đã chiên với đường cũng phải hết sức khéo léo để bánh có độ ngọt vừa đủ”.
Bánh nhãn có thể được ăn riêng, nhưng thưởng thức bánh nhãn với ấm trà mạn nóng hổi chúng ta mới cảm nhận hết vị ngon của thứ quà quê này. “Những người sành ăn thường chọn loại bánh nhãn có kích thước to, màu sắc tươi tắn, bởi đây là loại bánh được làm bằng trứng gà ta và vê bằng tay” - ông Hòa (chủ một cơ sở sản xuất bánh nhãn ở phố Đông Biên, thị trấn Yên Định) nói.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hải Hậu có khoảng 40 hộ sản xuất bánh nhãn, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Để thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều hộ đã đưa máy móc vào sản xuất. Các công đoạn làm bánh mất nhiều công sức được thay thế bằng các loại máy móc hiện đại như máy xay bột, máy đảo bột, đặc biệt là máy vê bánh.
Trước đây, bánh nhãn chỉ được vê thủ công bằng tay. Nếu là thợ lâu năm thì mỗi ngày sẽ vê được khoảng 10kg bánh. Nhưng khi có máy vê bánh, mỗi máy cho năng suất tương đương với 15 người làm thủ công.
Bên cạnh bánh nhãn, nhiều hộ gia đình cũng đã sản xuất thêm nhiều loại sản phẩm khác như: bánh khảo, bánh nướng, bánh dẻo, kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi… Nhờ đó, thu nhập của thợ làm bánh tăng lên, mỗi ngày khoảng 100 - 150 nghìn đồng/người, vào những tháng cao điểm ngày công có thể lên tới trên 200 nghìn đồng/người.
|
Một hộ dân ở Hải Hậu đang làm bánh khảo. |
Mặc dù bao bì đóng gói còn khá đơn giản nhưng bánh nhãn Hải Hậu vẫn được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh nhờ chất lượng sản phẩm. Ngày nay, bánh nhãn Hải Hậu đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên cho đến TP Hồ Chí Minh…
Để hoạt động sản xuất bánh nhãn cũng như các mặt hàng khác phát triển bền vững, những năm qua các cấp chính quyền ở Hải Hậu đã có nhiều hoạt động giúp nhân dân mở rộng sản xuất như: xây dựng đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, thành lập tổ quản lý làng nghề, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, tập huấn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm…
|
Bánh nhãn và các sản phẩm khác được bày bán. |
Với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền cũng như các hộ dân, tin chắc rằng bánh nhãn Hải Hậu cũng như các sản phẩm truyền thống khác của địa phương sẽ được nhiều người biết đến và lựa chọn. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế địa phương mà còn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Nguyễn Hưng