Qua rất nhiều thế hệ, người dân đã chọn lọc và gieo trồng nên một loại đặc sản của xứ Nghệ, nổi tiếng cả nước. Cam Vinh gắn liền với đời sống nông nghiệp của người dân.
Cam Vinh được trồng ở khu vực địa lý Vinh và hai khu vực lân cận là vùng Phủ Quỳ (gồm các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ); và vùng Xã Đoài (nằm trên các xã Hưng Trung, Nghi Diên, Nghi Hoa thuộc vùng ranh giới giữa các huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên). Trong quá trình phát triển đô thị hóa, diện tích sản xuất cam ở thành phố Vinh bị thu hẹp và mất dần, đến nay cam không được trồng ở thành phố Vinh nữa mà chỉ trồng ở các vùng lân cận.
Tuy nhiên, do là đô thị với những nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng... nổi tiếng của người Pháp, Hoa Kiều, Ấn Kiều từ đầu thế kỷ 20, cũng là thành phố của thợ thuyền với hàng vạn công nhân, đồng thời là trung tâm văn hóa, thương mại của cả vùng. Vì thế, cam được trồng ở khu vực này gắn liền với từ “Vinh” và cam Vinh trở thành tên gọi phổ biến trên thị trường trong và ngoài nước.
Cách đây khoảng 150 năm, một vị linh mục người Pháp khi đến vùng đất này truyền đạo đã mang theo một giống cam để trồng tại vùng đất thuộc Tòa giám mục xã Đoài hiện nay (xóm 8 và 9 thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc bây giờ) . Chỉ sau khoảng 3-4 năm trồng, cây cam cho quả, quả to, hình bầu khối trụ, ăn thơm ngọt đến kỳ lạ, quả không có hạt hoặc rất ít hạt. Từ đây người dân xã Đoài cứ nhân rộng dần giống cam này thành cả vùng cam Xã Đoài ngày nay. Vị thơm và ngọt của giống cam này đã nhanh chóng được lan truyền khắp trong thiên hạ.
Ảnh: Lamchame.
Theo người dân, tại cuộc thi hoa quả do triều đình Huế tổ chức, cam Xã Đoài đạt được giải nhất cả nước. Ông Châu mang cam lên tiến vua và không ngờ ông được vua phong đặc cách hàm “cửu phẩm” và từ đó dân trong làng gọi ông là “ông Cam Châu”. Ngay cả những cha cố truyền đạo, các quan Tây hồi bấy giờ cũng hết lời ca ngợi cam Xã Đoài. Vì vậy, cam Xã Đoài đã vinh dự được ghi vào cuốn Đại từ điển Pháp.
Qua rất nhiều thế hệ, người dân đã chọn lọc và gieo trồng nên một loại đặc sản của xứ Nghệ, nổi tiếng cả nước. Là cây trồng gắn liền với đời sống nông nghiệp của người dân.
Những năm 1980, cam Vinh được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu, khối lượng hàng chục nghìn tấn/năm. Hiện nay, diện tích cam trên địa bàn tỉnh khoảng 2.612 ha, diện tích cho thu hoạch là 1.742 ha, tổng sản lượng hàng năm trên 20.000 tấn cam. Sản phẩm được tiêu thụ khắp các tỉnh thành cả nước, được người tiêu dùng tin tưởng và ưa chuộng.
Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)