Ngậy, bùi, béo cộng một chút cay nồng là cảm nhận rõ nét khi thưởng thức bánh ít lá gai Bình Định. Thứ quà quê này đang được Bình Định coi là sản phẩm đặc trưng của tỉnh và hướng tới xuất khẩu, thay vì chỉ làm quà biếu hay dùng trong các dịp lễ, tết.

Món quà của sự gắn kết cộng đồng

Bánh ít có mặt ở nhiều địa phương, chủng loại khá đa dạng như bánh ít trần, bánh ít nhân dừa, nhân tôm thịt, nhân đậu xanh... Điểm đặc biệt của bánh ít Bình Định chính là lá gai. “Phải chọn lá gai tươi hái từ sáng sớm, lúc còn sương, bánh luộc lên sẽ cho màu sắc đẹp” - bà Võ Thị Bích Ngọc - chủ cơ sở bánh ít lá gai Bà Dư ở thị xã Tuy Phước, có hơn 20 năm kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh đặc sản này - cho biết.

Bánh ít lá gai Bình Định có hình chóp, đáy vuông, sắc cạnh, nhọn lên tới đỉnh, trông như những chiếc tháp nhỏ xinh. Bánh được làm thủ công với các công đoạn tỉ mỉ. Bánh được làm từ gạo nếp loại ngon, đậu xanh và dừa.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định - cho biết: “Dừa phải chọn trái già đủ độ, không bị sâu, cơm dày. Loại dừa thường dùng là dừa Tam Quan ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định với đặc điểm cơm dày, thơm, ngọt, độ béo cao, cọng dừa mềm, giòn. Gặp lúc khan hiếm, người sản xuất có mua dừa ở những nơi khác, nhưng để ra chiếc bánh ít lá gai ngon nhất thì phải dùng dừa Tam Quan”.

Bánh ít lá gai Bình Định. Ảnh: Nguyên Dũng

Bánh ít lá gai rất dẻo nhưng không dính răng. Cắn một miếng, vị ngọt của đường, hương thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương vị cay nồng của gừng tạo một cảm giác rất riêng. Bởi vậy mà sản vật này nổi tiếng đến mức đi vào câu ca xưa: “Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”.

Có câu chuyện tình lưu truyền trong dân gian gắn với loại bánh này: Một người con trai Bình Định ra Huế học, yêu cô gái Huế. Sau một lần về thăm nhà, anh mang theo ra Huế mấy cái bánh ít lá gai để làm quà, vừa thổ lộ tấm lòng mình vừa khoe khéo về quê hương. Và rồi cô gái đất cố đô đã trở thành dâu Bình Định.

Bánh ít lá gai được người dân Bình Định sử dụng vào các dịp lễ chạp, cưới, hỏi hay làm quà biếu cho bạn bè, người thân. Đối với họ, mâm cỗ dâng lên bề trên hay tổ tiên, người đã khuất không thể thiếu bánh ít. Trong mâm lễ vật đưa về nhà cô dâu trong ngày hồi dâu (miền Bắc gọi là lễ lại mặt) cũng luôn phải có một quả bánh ít đầy.


Đưa tiêu chuẩn vào món ăn truyền thống

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, từ trước đến nay, danh tiếng của bánh ít lá gai Bình Định chủ yếu được biết đến và thừa nhận qua truyền khẩu trong dân gian chứ chưa có sự chứng nhận mang tính pháp lý, dựa trên sự thẩm định chất lượng của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ vẫn mang tính đơn lẻ, sản phẩm chưa vào được các cửa hàng, siêu thị. Việc phổ biến rộng rãi sản phẩm của bà con vẫn còn hạn chế, trong khi lượng khách du lịch đến Bình Định ngày một tăng.

Chính vì vậy, việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bánh ít lá gai Bình Định” vào tháng 5/2017 được coi là một cơ hội để sản phẩm này được quảng bá, tiêu thụ tốt hơn.

Ông Trịnh Minh Vương - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Bình Định, đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể này - chia sẻ: “Song song với việc xây dựng quy chế, chúng tôi ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở, có tiêu chí rõ ràng về quy trình sản xuất, hàm lượng các chất, nguyên liệu... Tất cả đều căn cứ theo bộ tiêu chuẩn quốc gia để xây dựng tiêu chuẩn cơ sở”.

Từng hộ sản xuất được hướng dẫn cụ thể về quy trình, tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bánh sẽ được đóng bao bì bằng chất liệu bìa cứng để đảm bảo giữ được hình dáng bánh khi vận chuyển đi xa.

“Chúng tôi hướng đến việc đưa sản phẩm vào các siêu thị và xuất khẩu qua đường hàng không sang Mỹ, Nhật Bản. UBND tỉnh Bình Định cũng lựa chọn bánh ít là sản phẩm đặc trưng về du lịch của tỉnh” - ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Hiện có 26 hộ thành viên Hội Nông dân tỉnh Bình Định được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bánh ít lá gai” - tập trung ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn.