Phát hiện một bài báo khoa học sắp được công bố trên tạp chí Thú học (Journal of Mammalogy) có kèm theo bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp, ông đã dùng mọi cách để ngăn cản việc xuất bản bài báo trước khi xóa “đường lưỡi bò” này.
Ông là TS Vũ Đình Thống - làm việc tại Phòng Bảo tàng động vật thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về động vật - đặc biệt là các loài dơi.
Đơn độc đấu tranh vẫn quyết không bỏ cuộc
Kể lại câu chuyện đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, TS Vũ Đình Thống cho biết, ngày 18/9/2015 một đồng nghiệp người Đài Loan đang học tại Mỹ đã gửi ông và một số đồng nghiệp khác ở Lào, Thái Lan, Malaysia một đường dẫn (địa chỉ website) đến tạp chí Thú học (Journal of Mammalogy). Đây là nội dung bài báo đang chờ in, công bố kết quả nghiên cứu về một tổ hợp loài dơi phân bố ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều khiến TS Vũ Đình Thống lập tức lưu tâm là nội dung bài báo bao gồm một bản đồ in “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra một cách phi pháp.
“Cảm giác đầu tiên của tôi là phẫn nộ khi nhìn thấy “đường lưỡi bò” phi pháp. Tôi liên lạc ngay với đồng nghiệp người Đài Loan cũng như các đồng nghiệp khác đề nghị cùng liên lạc với Tạp chí Journal of Mammalogy để đấu tranh đòi xóa bỏ nó trong bản đồ. Tuy nhiên, đồng nghiệp Đài Loan từ chối với lý do trên bản đồ đó vẫn có đảo Đài Loan. Anh ấy cũng cho rằng bài báo đã ở trạng thái chờ in nên việc liên lạc với tạp chí không chắc có hiệu quả. Các đồng nghiệp người Lào, Thái Lan, Malaysia… không hồi âm và cũng không phản ứng với đề nghị chính đáng đó của tôi” - TS Vũ Đình Thống bức xúc nhớ lại.
Lúc đó, bản thảo của bài báo đã qua tất cả các bước của quy trình xuất bản (sơ loại, phản biện, biên tập, duyệt và quyết định chấp nhận đăng). Thời gian in cũng đã cận kề (dự kiến in và lưu chiểu trong tháng 10) nên để loại bỏ được “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, TS Thống biết mình phải chạy đua với thời gian. Ông trực tiếp liên lạc với tạp chí, nêu rõ tình huống và yêu cầu của mình. Ngày 21/9, ban biên tập của tạp chí trả lời rằng họ cần thảo luận với các biên tập viên phụ trách, tổng biên tập, những người phản biện và cả tác giả bài báo.
“Kể từ ngày 21/9, tôi và Ban biên tập Tạp chí Journal of Mammalogy liên lạc qua lại nhiều lần để cập nhật tình hình, cùng thảo luận những vấn đề cần giải thích và làm rõ để đi đến một giải quyết thỏa đáng. Ngày 5/11/2015, biên tập viên phụ trách xuất bản chính thức thông báo với tôi rằng tổng biên tập tạp chí quyết định xóa bỏ hoàn toàn “đường lưỡi bò” phi pháp trong hình của bài báo. Bài báo đã được đăng chính thức, nộp lưu chiểu đầu tháng 12/2015 với hình và bản đổ đã được điều chỉnh. Biên tập viên cũng thông báo là từ nay về sau, Tạp chí Journal of Mammalogy cùng với mạng lưới các phản biện và biên tập viên sẽ chú ý đến việc này để tránh xảy ra những trường hợp tương tự” - TS Thống cho biết.
Khẳng định chủ quyền qua công bố khoa học
TS Vũ Đình Thống cho rằng, nhà khoa học cũng như mọi công dân khác đều có thể đóng góp công sức, trí tuệ vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đối với các nhà khoa học, đóng góp đó cần có ngay từ những ý tưởng nghiên cứu và quá trình thực hiện. Đặc biệt, khi công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học hay bất kỳ phương tiện truyền thông nào cần khẳng định rõ chủ quyền quốc gia, thể hiện rõ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và vùng trời của Việt Nam.
“Trong trường hợp phát hiện những vấn đề hoặc tài liệu nào có thông tin sai lệch hay phi pháp gây ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề chủ quyền quốc gia, cần đấu tranh và tìm cách xử lý kịp thời và hợp lý; trong khả năng có thể, các nhà khoa học nên công bố kết quả nghiên cứu của mình trên những tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, có phạm vi ảnh hưởng rộng trong cộng đồng các nhà khoa học nói riêng và công chúng nói chung trên thế giới” - TS Thống chia sẻ.
Là người Việt Nam đầu tiên chuyên nghiên cứu về các loài dơi, TS Thống chia sẻ chính việc nghiên cứu và công bố các kết quả của mình cũng là cách để nhà khoa học khẳng định chủ quyền.
Khi bắt tay vào nghiên cứu ông gặp nhiều khó khăn, nhưng được các thế hệ đi trước giúp đỡ và định hướng chuyên môn nghiên cứu về các loài dơi, ông đã vượt qua khó khăn và khẳng định mình bằng các công bố khoa học. Cho đến nay, TS Thống là tác giả và đồng tác giả của 70 bài báo khoa học đã công bố trên những tạp chí khoa học quốc tế, tạp chí khoa học quốc gia và các kỷ yếu hội thảo; tổ chức và tham gia 29 hội thảo khoa học quốc tế và nhiều hội thảo khoa học quốc gia. Trong những bài báo đã công bố có 21 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc danh sách ISI. Bên cạnh đó, ông cũng là đồng tác giả của một cuốn sách chuyên khảo về thú hoang dã Việt Nam.
TS Thống cũng là nhà khoa học bằng chính nghiên cứu của mình đã giải quyết một số vấn đề về chuyên môn mà các đồng nghiệp trong và ngoài nước dành sự quan tâm trong nhiều thập kỷ qua; trong đó có việc chứng minh một loài dơi đặc hữu của Việt Nam, một loài dơi đặc hữu của Nhật Bản và một loài dơi đặc hữu của Thái Lan. Thông tin về cả ba loài dơi đặc hữu này được đăng trên tạp chí Mammal Review (tạp chí uy tín hàng đầu về chuyên môn nghiên cứu thú trên thế giới).
Hiện TS Thống và các đồng nghiệp tiếp tục hoàn thiện một số bản thảo khác gửi đăng trên những tạp chí khoa học quốc gia, quốc tế và kỷ yếu hội nghị khoa học trong thời gian tới.
Nói về dự định của mình TS Thống tâm sự, thời gian tới ông mong muốn được nghiên cứu tại những địa phương chưa có kết quả khảo sát hoặc nghiên cứu về những loài dơi nói riêng và động vật nói chung, ở những khía cạnh còn có ít số liệu.
“Tôi hy vọng và mong muốn được thực hiện những công trình nghiên cứu có cả ý nghĩa khoa học và thực tiễn xã hội. Và hơn hết, việc thực hiện các nghiên cứu cũng là cách để qua đó khẳng định chủ quyền quốc gia” - TS Thống bày tỏ.
Nói về cách bảo vệ chủ quyền của TS Vũ Đình Thống, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội và tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ - đánh giá cao và cho rằng sự đóng góp âm thầm của các nhà khoa học luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thông qua những công trình nghiên cứu, những phát hiện mới, công bố kết quả nghiên cứu của mình với cộng đồng khoa học quốc tế cũng là cách để thể hiện chủ quyền quốc gia, dân tộc.
TS Vũ Đình Thống sinh năm 1975. Năm 1998, ông tốt nghiệp cử nhân khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; năm 2002 tốt nghiệp thạc sỹ khoa học tự nhiên. Năm 2011, ông lấy bằng tiến sĩ ngành Động vật học tại Đại học Tubingen, Đức. TS Thống nghiên cứu về những loài động vật thuộc lớp thú (Mammalia) và là chuyên gia đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu dơi. TS Vũ Đình Thống từng được Hiệp hội Môi trường thiên nhiên Nagao, Nhật Bản trao giải thưởng do các đóng góp trong việc xác định tính đa dạng, hiện trạng và cơ sở sinh thái học của loài dơi tại Việt Nam. |